Vấn đề hôm nay:

Chọn nghề của học sinh!

Sau khi học xong chương trình phổ thông, “lấy” được tấm bằng tú tài thì dù cho học ở bậc Trung học chuyên nghiệp, Cao đẳng hay Đại học thì chung quy cũng là đào tạo một nghề cho các công dân trẻ tuổi vào đời nhằm lập thân, lập nghiệp. Tuy nhiên, chọn ngành học nào để vừa phù hợp với sức học, vừa với khả năng tài chính của gia đình chu cấp trong quá trình học tập lại… vừa có thể đáp ứng được theo nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sau khi ra trường… Đây là vấn đề không mới nhưng luôn mang tính thời sự.

Thực tế hiện nay mặc dù công tác tư vấn chọn trường cho học sinh đã được nhiều trường Đại học chú trọng và “triển khai” đến tận trường học các tỉnh thông qua chương trình Tư vấn mùa thi. Thế nhưng đa phần là “quảng bá” hình ảnh nhà trường để thu hút học sinh hơn là mang đến học sinh những “thông điệp” về việc làm hay sẽ tạo việc làm cho các em sau khi tốt nghiệp một ngành học nào đó của trường! Qua thăm dò, điều chúng tôi nhận thấy là đa phần học sinh “thích” chọn các ngành kinh tế, ngân hàng, tài chính… mà “lắc đầu” khi hỏi sao không chọn những ngành xã hội hay liên quan đến sản xuất nông, lâm nghiệp? Hóa ra, theo suy nghĩ của các em là chọn nhóm ngành kinh tế nói chung vì sau này khi tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tìm được việc làm với thu nhập cao hơn các ngành khác! Với suy nghĩ quá đơn giản như vậy đã dẫn đến hệ lụy là hoặc chọn ngành quá sức học, hoặc không phù hợp với năng lực “tiềm ẩn” của các em… kết cục là thi không đậu. Cũng đã có không ít em tốt nghiệp đại học rồi nhưng “loay hoay” mãi vẫn không tìm được việc làm ưng ý, thu nhập như mong muốn. Có em đã thẳng thắn: Giá như trước khi thi đại học được tư vấn đầy đủ, biết nghe lời khuyên của những người đi trước mà không phải “khăng khăng” theo ý mình thì có lẽ sẽ tốt hơn!

Trong xã hội có rất nhiều ngành, nhiều nghề nhưng để “điều phối” nguồn nhân lực trẻ vào từng ngành, từng nghề phù hợp, tránh tình trạng ngành thì quá thừa nhân lực, ngành thì lại quá thiếu… tạo nên tình trạng lãng phí không chỉ “kinh phí” đào tạo của gia đình mà lớn hơn còn là của xã hội. Vấn đề đặt ra, không chỉ trách nhiệm của ngành giáo dục nói chung mà còn là của gia đình và ngay cả bản thân các học sinh cũng phải “sáng suốt” khi chọn ngành để thi học lấy một nghề nhằm đem tri thức của mình phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, đồng thời qua đó tạo dựng cuộc sống cho chính mình.