Dành hết thời gian cho việc học
“Em tự tin với học lực của mình nên không lo lắng cho kỳ thi Tốt nghiệp. Mục tiêu của em là đỗ vào trường đại học mà em mong muốn”! – Đó là chia sẻ của em Tô Đình Tân, học sinh lớp 12 Toán 1, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn khi được hỏi về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới. Tân cũng là một trong những học sinh của trường được nhận học bổng Nguyễn Văn Đạo của Đại học PFT năm 2011. Là học sinh lớp chuyên, có học lực giỏi suốt 12 năm liền, lại có ý thức chăm học… sự tự tin của Tân là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, tự tin không có nghĩa là chủ quan. Để chuẩn bị cho 2 kỳ thi quan trọng sắp tới, Tân lên lịch học cụ thể, khoa học, có sự cân bằng giữa những môn học khối tự nhiên mà em thích với những môn khối xã hội. Ba mẹ Tân cũng luôn tạo điều kiện cả tâm lý và vật chất để Tân ôn thi, không gây áp lực, mệt mỏi cho con. Đặc biệt, Mẹ Tân- chị Huỳnh Thị Ngọc Diệp, công tác tại phường Đài Sơn còn nấu nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng để Tân bồi bổ.
Tranh thủ mọi thời gian để học, đó cũng là cách mà em Bùi Ngô Mai Ngân, học sinh lớp 12B1, Trường THPT Chu Văn An chuẩn bị cho những kỳ thi sắp tới. Ngân là học sinh theo khối xã hội, nên rất “sợ” những môn tự nhiên. Vì vậy, em dành nhiều thời gian và cố gắng tìm ra những phương pháp học hiệu quả cho những môn học này, đặc biệt là 2 môn thi tốt nghiệp: Toán và Vật lý. Được gia đình tạo điều kiện, không phải làm bất cứ việc gì ngoài việc học nên ngoài thời gian học trên lớp, Ngân còn đi học thêm, về nhà chăm chỉ giải hết bài tập trong sách giáo khoa, đọc thêm sách tham khảo và giải đề thi của những năm trước. Ngân nói: “Em tự tin có thể đỗ đại học, vì đó là khối thi mà em yêu thích, nhưng lại rất lo lắng với những môn thi tốt nghiệp, chính vì vậy, em phải cố gắng hết sức”.
Áp dụng những phương pháp học hiệu quả
Không may mắn được sự chăm sóc chu đáo và tạo mọi điều kiện của gia đình như Tân và Ngân vì phải trọ học xa nhà, nhưng chuẩn bị cho những kỳ thi sắp tới, Đố Kim Tùng, học sinh lớp 12 A2, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cũng rất quyết tâm với kỳ thi đại học, cao Đẳng sắp tới. Quê ở thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Tùng và 9 bạn cùng trường thuê nhà trọ trên đường Nguyễn Trãi, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và cùng nhau thi đua học tập. Ngoài thời gian học trên lớp, học thêm, các buổi tối cả phòng trọ của Tùng đều cùng tổ chức học nhóm theo nhiều hình thức, phổ biến nhất là tổ chức làm bài thi thử với tất cả các môn thi tốt nghiệp. Quy định về thời gian, cách làm bài đều nghiêm túc y như thi thật, sau đó, tự tráo đổi bài thi cho nhau để chấm điểm và nhận xét. “Với các học này chúng em rất hào hứng, vừa hiệu quả, vừa tạo được không khí thi đua giữa các bạn để giúp nhau cùng tiến bộ” – Tùng nói.
Học nhóm là phương pháp hiệu quả nhất với những học sinh ở trọ
Nguyễn Thị Ngọc Trúc, học sinh lớp 12 Lý cũng là một trong 3 học sinh của Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn được tuyển thẳng vào Đại học FPT. Tuy nhiên, mục tiêu của Trúc là theo ngành Y, vì vậy Trúc không hề chủ quan, lơ là việc học. Phương châm học của Trúc không chỉ là giải được bài mà còn phải tìm ra phương pháp giải hay nhất, nhanh nhất. Muốn làm được điều đó, Trúc giải rất nhiều bộ đề thi và các dạng bài tập trong sách tham khảo. Vừa tự suy nghĩ, vừa học hỏi thêm bạn bè, thầy cô và rút kinh nghiệm.
Là học sinh của một trường vùng nông thôn, điều kiện gia đình cũng như điều kiện học tập ở trường không được tốt so với học sinh trường chuyên ở thành phố, nhưng Nguyễn Thị Hải Trang, Lớp 12B3A cũng rất nỗ lực trong học tập. Nhà Trang ở Thuận Bắc, cách trường 10 km, hằng ngày phải đi xe buýt đến trường. Cách học, cách ôn thi của Trang cũng được xây dựng để phù hợp với hoàn cảnh đó. “Không đợi đến sát kỳ thi mới học mà em học bài nào, nắm vững kiến thức bài đó ngay từ đầu năm, đặc biệt “ưu ái” hơn cho 3 môn thi tốt nghiệp và những môn có khả năng sẽ thi tốt nghiệp”. Ngay từ khi vào lớp 10, Trang đã đặt ra mục tiêu cho mình là phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và đỗ vào Đại học Sư phạm, chuyên ngành tiếng Anh. Với môn học này, ngoài việc nắm vững ngữ pháp, học nhiều từ vững, em còn luyện kỹ năng nghe, đọc, viết tiếng Anh thông qua xem phim phụ đề tiếng Anh, đọc sách song ngữ, và tranh thủ cơ hội được giao tiếp tiếng Anh.
Cân đối thời gian học hiệu quả
So với những học sinh 12 khác, Lê Bảo Lộc, học sinh lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có lẽ áp lực hơn. Bởi ngoài kỳ thi tốt nghiệp, và mục tiêu đỗ vào Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Khoa học tự nhiên (TP. Hồ Chí Minh), Lộc còn là người tham dự vòng chung kết năm, cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia vào ngày 19-6 tới. Cùng lúc phải chuẩn bị cho nhiều kỳ thi như vậy nên điều quan trọng nhất với Lộc chính là cách sắp xếp thời gian hợp lý, không chỉ học mà còn để giải trí, thư giãn cho tinh thần thoải mái. Phương pháp học hiệu quả nhất của Lộc chính là nắm vững kiến thức cơ bản, sau đó làm nhiều bài tập, giải nhiều đề thi. Trước hết là bài tập trong sách giáo khoa, sau đó là ở sách tham khảo, đề thi các năm và trên mạng internet. Chiều chủ nhật hàng tuần, Lộc ôn tập chuẩn bị thi đường lên đỉnh Olympia cùng các bạn trong trường theo hình thức hỏi-đáp. Câu hỏi được các thầy cô, bạn bè tập hợp, đủ mọi lĩnh vực… giúp Lộc tăng kiến thức, rèn kỹ năng phản xạ, xử lý tình huống. Thời gian biểu của Lộc luôn có thời gian cho việc nghỉ ngơi, chơi các trò chơi, nghe nhạc hoặc đi chơi với bạn bè. Nếu như nhiều học sinh lớp 12 cho rằng, phải rời xa điện thoại, Yahoo và Email để tập trung vào ôn thi thì ngược lại đó là những phương tiện cần thiết với Lộc trong thời gian này. “Email, chát giúp em trao đổi bài vở với các bạn nhanh hơn, không chỉ bạn bè trong lớp mà cả các anh chị sinh viên, các bạn ở trường khác, tỉnh khác đều có thể trao đổi cách học, gửi cho em những tài liệu ôn tập hay, những phương pháp học hiệu quả”.
Là con nhà nghèo, ba mẹ đều là nông dân nên em Nguyễn Thị Như, thôn Thành Sơn, xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải còn phải giúp đỡ cha mẹ nhiều việc nhà ngoài giờ học. Trong 6 môn thi tốt nghiệp năm nay, Như lo nhất 2 môn Tiếng Anh và Vật lý. Không có điều kiện đi học thêm, Như chỉ đăng ký phụ đạo thêm ở trường và tranh thủ học những khi đã xong việc nhà. Ngoài ra, cô học trò này cũng tạo cho mình một thói quen học bài ngay cả khi không cầm sách vở. Ví dụ, em học từ vững Tiếng Anh thông qua công việc của mình hoặc những vật dụng xung quanh, tự kiểm tra trí nhớ của mình bằng những kiến thức xã hội…
Mỗi học sinh 12, với mỗi phương pháp học khác nhau nhưng đều mong muốn thu được thành quả tốt nhất sau 12 năm đèn sách. Hy vọng rằng, với sự cố gắng của nhà trường, thầy cô trong công tác giảng dạy, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân của mỗi học sinh sẽ đem lại một kết quả tốt đẹp trong những kỳ thi sắp tới.
Bích Thủy