Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước cho biết: Để phát triển thương mại trên địa bàn huyện, ngoài việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giải quyết nhanh các thủ tục cấp giấy phép kinh doanh, vốn vay… tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư; huyện còn tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển hoàn thiện hạ tầng thương mại; ưu tiên xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ ở tại các địa phương, nhằm tạo thuận lợi trong việc giao thương, buôn bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân. Đồng thời, huyện còn đặc biệt chú trọng phát triển các kênh phân phối hàng hóa như: chợ, các cửa hàng, cửa hiệu…; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia buôn bán, đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Người tiêu dùng mua sắm hàng hóa tại cửa hàng Bách hóa xanh, thị trấn Phước Dân.
Cùng với đó, mạng lưới chợ cũng được huyện phát triển theo đúng quy hoạch nhằm duy trì tốc độ gia tăng và giữ vai trò quan trọng trong khâu thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn huyện Ninh Phước có 31 chợ các loại trải đều ở các xã, thị trấn đã góp phần vào chức năng bán lẻ, kinh doanh hàng hóa tổng hợp và hoạt động hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa trong khu dân cư. Cùng với hệ thống chợ, toàn huyện còn có trên 8.300 doanh nghiệp và hộ kinh doanh với mức lưu chuyển hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngày càng tăng trong hệ thống bán lẻ hàng hóa. Ngoài ra, việc đẩy mạnh các mô hình đại lý, các cửa hàng, cửa hiệu, hệ thống cửa hàng tiện lợi... tại các khu dân cư cũng được huyện chú trọng phát triển, tăng nhanh về số lượng, quy mô hoạt động. Qua đó, đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, trao đổi hàng hóa, hỗ trợ phát triển sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Người dân đi mua sắm chú trọng hơn về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng hàng hóa, giá cả hợp lý. Nhờ đó, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện có sự chuyển biến và tăng trưởng mức khá. Chỉ tính riêng trong 9 tháng năm 2020, giá trị thương mại, dịch vụ đạt 1.829,8 tỷ đồng, đạt 62,75% kế hoạch so với cùng kỳ.
Đồng chí Nguyễn Hữu Đức nhìn nhận: Mặc dù kết quả đạt được là vậy, nhưng thực tế hoạt động thương mại trên địa bàn vẫn còn phát triển chậm; hệ thống phân phối còn nhỏ lẻ, hoạt động mua bán chủ yếu thông qua các loại hình chợ, cửa hàng nhỏ và hệ thống phân phối lưu động của các doanh nghiệp còn hạn chế… Để hoạt động thương mại ngày càng phát triển, thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục chỉ đạo các phòng chức năng rà soát quy hoạch hệ thống chợ trên địa bàn để có các phương án cải tạo, đầu tư xây dựng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Tập trung thu hút các nguồn lực để đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn; ưu tiên xây dựng các hạng mục thiết yếu như chợ hạng II, chợ đầu mối nông sản nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển giao thương hàng hóa. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh phát triển mạng lưới phân phối hàng hóa về các địa phương; chú trọng phát triển hệ thống bán lẻ ở các địa phương; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển các dịch vụ, loại hình thương mại gắn với phát triển thương hiệu sản phẩm của huyện, của doanh nghiệp cũng như thúc đẩy các hoạt động kinh doanh…
Tiến Mạnh