Giảm lãi suất hỗ trợ tăng trưởng tín dụng

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua phù hợp với bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tái tạo năng lực sản xuất kinh doanh, mất cân đối cung cầu do đứt đoạn trong cung ứng.

Theo đó, nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm lãi suất huy động mới kể từ ngày 1/10 với mức kỳ hạn dưới 6 tháng, đặc biệt một số ngân hàng còn điều chỉnh mạnh tới 0,7%, đưa lãi suất xuống sâu dưới mức 4%/năm.

Tại Kienlongbank, lãi suất kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 3,55%/năm; 2 tháng 3,75%/năm và gửi từ 3 - 5 tháng là 3,95%/năm, giảm tối đa 0,6% so với trước đó. Còn ở LienVietPostBank, lãi suất kỳ hạn từ 3 đến 6 tháng từ ngày 1/10 cũng được áp dụng ở mức 3,8%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với trước đó. Ở Nam A Bank, biểu lãi suất huy động áp dụng từ ngày 1/10, người gửi kỳ hạn 14 - 17 tháng lãi suất còn 7,1%/năm; kỳ hạn dưới 6 tháng giảm về 3,95%/năm.

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, LienVietPostBank triển khai “Cho vay sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng” và “Cho vay ưu đãi tiếp sức sản xuất” với mức giảm 0.5%/năm so với lãi suất thông thường khi vay ngắn hạn. Ảnh: Linh Cầm.

Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung cho biết: Ở góc độ ngân hàng, việc giảm lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp cận được nguồn tiền từ NHNN với lãi suất thấp hơn. Trên cơ sở đó, các ngân hàng chào mức lãi suất cho vay tốt hơn đối với khách hàng, qua đó, thúc đẩy tín dụng tăng tích cực hơn. Nhất là giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên - lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế sẽ hỗ trợ tích cực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

“Động thái giảm đồng loạt lãi suất điều hành của NHNN không gây bất ngờ khi gần 2 tháng nay, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất huy động phù hợp với định hướng chung xuyên suốt của NHNN là cắt giảm dần chi phí tài chính hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng đảm bảo hoạt động kinh doanh, thanh khoản ổn định. Hiện tại, các điều kiện cần thiết cho việc giảm lãi suất đã xuất hiện nên NHNN đưa ra quyết định điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường; đồng thời tạo đòn bẩy để kích tăng trưởng tín dụng”, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB nói.

Theo Phó Tổng giám đốc VIB Lê Quang Trung, trước đây lãi suất cho vay ở mức 9 - 10%/năm nhưng nay, lãi suất giảm xuống còn 6 - 7%/năm có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp cân nhắc lại vay vốn đầu tư vì lúc đấy bài toán tài chính đã khác. “Trong bối cảnh thị trường khó khăn như vậy, NHNN chủ động dẫn dắt thị trường tạo cơ hội kích đầu đầu tư mới. Do vậy, động thái giảm lãi suất sẽ có tác động tích cực đối với tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”, ông Trung Lê Quang Trung nói.

Đồng quan điểm, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, động thái giảm lãi suất sẽ tạo cú hích cho tăng trưởng tín dụng. Nhưng mức độ tăng trưởng thế nào lại tùy thuộc vào sự tự tin trở lại của các doanh nghiệp, người dân và của nền kinh tế. Đó là sự phục hồi của nền kinh tế cũng như kiểm soát dịch bệnh, sản xuất vắc xin COVID-19 tại các nước trên thế giới...“Hy vọng tình hình dịch bệnh đỡ phức tạp hơn khi thế giới sản xuất kịp vắc xin, giao thương giữa các nước quay trở lại, động thái giảm lãi suất thúc đẩy tích cực tăng trưởng tín dụng”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.

Lãnh đạo VIB kỳ vọng, khi dịch bệnh được kiểm soát tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam, cộng thêm mặt bằng lãi suất thấp có thể giúp tăng trưởng tín dụng trong quý IV/2020 tăng mạnh. “Kịch bản khả quan nhất tín dụng trong năm 2020 có thể tăng trưởng 10%, còn kịch bản xấu cũng ở mức 8% chứ không thể thấp hơn”, đại diện VIB dự báo.

Theo TS Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN không gây bất ngờ vì trước đó, lãnh đạo NHNN đã phát đi tín hiệu về khả năng giảm lãi suất khi điều kiện thị trường cho phép. Hiện tại, lạm phát có xu hướng giảm, thanh khoản các ngân hàng khá dồi dào, trong khi tín dụng đang tăng trưởng thấp... Ðây là cơ sở quan trọng để NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, điều tiết thanh khoản, tạo thuận lợi nhất để các tổ chức tín dụng có nguồn vốn rẻ cho doanh nghiệp, người dân vay, kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế.

Vệc giảm đồng loạt lãi suất ngân hàng là động thái tích cực tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng đây không phải yếu tố quan trọng nhất. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Lãi suất không phải là rào cản của tăng trưởng tín dụng mà là do sức cầu tín dụng của nền kinh tế còn yếu. Do vậy trong thời gian tới, việc hấp thụ được hay không còn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh cũng như quá trình phục hồi kinh tế thế giới. "Từ nay đến cuối năm, mặc dù vẫn còn khả năng hạ lãi suất thêm lần nữa, nhưng khó xảy ra nếu quá trình phục hồi kinh tế trong nước và thế giới tốt hơn" - TS Võ Trí Thành nhận định.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2020 diễn ra chiều 2/10, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng cả năm 2020 có thể đạt khoảng 8 - 10%, trong đó mức trên 9% là khả thi.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đánh giá, diễn biến của tín dụng trong tháng 9 vừa qua cho thấy, dấu hiệu tích cực trong vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp, từ đó cho thấy diễn biến khả quan của nền kinh tế. Cụ thể: Tính đến cuối tháng 8/2020, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng 4,2 - 4,3%, nhưng đến hết tháng 9/2020 đã đạt khoảng 6,1%.

Trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, quý I/2020 tín dụng tăng rất chậm, quý II/2020 tăng nhanh hơn một chút, nhưng vẫn trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực, thì kết quả đạt được trong quý vừa qua là rất đáng mừng.

“Đặc biệt, một số lĩnh vực như nông nghiệp - nông thôn và sản xuất, kể cả lĩnh vực mà chúng ta đánh giá là vẫn còn khó khăn như dịch vụ, viễn thông, giao thông, thì đều có mức tăng trưởng tín dụng tích cực và cao hơn mức tăng chung, đạt khoảng 7%”, Phó Thống đốc cho biết thêm.

Điều này cho thấy, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều khó khăn chung do tác động của dịch, song các doanh nghiệp đang chuyển biến tích cực và linh hoạt. Vì vậy, trong điều kiện vẫn còn khó khăn do có khoản nợ cũ, nhưng doanh nghiệp vẫn sẵn sàng tiếp cận các khoản vay mới trên cơ sở giãn, hoãn, cơ cấu lại các khoản nợ cũ.

Trong 3 tháng còn lại của năm 2020, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và hoạt động của doanh nghiệp cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tích cực, thì dư nợ tín dụng có thể tăng 8 - 10%, khoảng trên 9% là mức khả thi.

Theo TTXVN/Báo Tin tức