Triển vọng mới trong việc trồng nho rượu tại Ninh Thuận

Thời gian qua, cùng với sự nghiên cứu và triển khai các các mô hình sản xuất nông nghiệp thì việc tìm các giống cây trồng mới thích ứng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng mang lại hiệu quả cho nông dân luôn được lãnh đạo, cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp (VNCB&PTNN) Nha Hố quan tâm, qua đó nâng cao trị giá trị trên đơn vị sản xuất.

Mới đây, VNCB&PTNN Nha Hố đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng”. Quá trình triển khai đề tài, VNCB&PTNN Nha Hố đã phối hợp với Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Lâm Đồng) cùng chính quyền địa phương các xã Phước Thuận (Ninh Phước) và xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) xây dựng mô hình liên kết trồng nho rượu. Trong đó, VNCB&PTNN Nha Hố chịu trách nhiệm hướng dẫn, tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác, cung cấp giống nho cho các hộ tham gia đề tài. Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của nông dân, VNCB&PTNN Nha Hố cũng đã xúc tiến việc kết nối giữa Công ty TNHH Vĩnh Tiến với nông dân trong bao tiêu sản phẩm nho sau thu hoạch.

 
Quy trình sản xuất, xử lý và đóng gói sản phẩm rượu Vang nho tại Trang trại nho Ba Mọi. Ảnh: P.B

Các giống nho rượu mới được trồng là NH02-37, NH02-66, NH02-97 và NH02-137, có các tính năng vượt trội như: năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng tốt với điều kiện thổ nhưỡng của Ninh Thuận. Theo ông Phạm Văn Phước, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển công nghệ VNCB&PTNN Nha Hố, để sản phẩm nho rượu có độ Brix cao (chỉ số quan trọng trong việc nâng cao chất lượng các loại rượu vang trong quá trình ủ, lên men), thì yếu tố quan trọng là việc xác định được thời gian thu hoạch, liều lượng phân bón phù hợp trên từng chân đất, giải pháp kỹ thuật tưới nước và một số biện pháp bảo vệ thực vật hợp lý. Muốn làm được việc này, thời gian qua cán bộ của Viện đã xây dựng các quy trình kỹ thuật canh tác theo từng giống nho, từng chân đất và đã tiến hành chuyển giao cho các hộ dân.

Qua triển khai trên 5 ha nho rượu, trong đó 2,5 ha ở xã Mỹ Sơn áp dụng phương pháp hàng cọc rào và 2,5 ha ở xã Phước Thuận áp dụng phương pháp giàn qua đầu truyền thống. Kết quả thu hoạch vụ đầu năng suất đạt từ 12-17 tấn/ha, với giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, hộ trồng thu lãi từ 73-140 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Lâm, xã Mỹ Sơn, cho biết: Trước đây, gia đình chỉ trồng các giống nho truyền thống, nhưng sau khi được sự tư vấn của cán bộ VNCB&PTNN Nha Hố, tôi đã mạnh dạn đầu tư trồng nho rượu. Nhờ thực hiện đúng quy trình được hướng dẫn, nên nho phát triển tốt, thêm vào đó là yên tâm về giá do được ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Nho rượu được triển khai trồng tại xã Phước Thuận (Ninh Phước).

Ông Phạm Văn Phước, cho biết thêm: Từ vườn tập đoàn lưu giữ nguồn quỹ gen cây nho, Viện đã đánh giá và tuyển chọn được 5 mẫu giống nho rượu mới có nhiều ưu điểm, phù hợp với sản xuất rượu vang. Với các đặc tính nổi trội, hy vọng các giống nho này sẽ là những đối tượng trồng mới trong tương lai, đã trồng khảo nghiệm và xây dựng vườn nhân giống phục vụ phát triển sản xuất.

Có thể nói, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nho rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng” bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan. Hy vọng thời gian tới, việc chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng mô hình trồng nho rượu để sản xuất rượu vang nho sẽ là một trong những hướng đi mới giúp người trồng nho tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.