Mới ngấp nghé tới đầu núi Đất đã thấy bên đường hoa bằng lăng màu tím hồng trải từ chân núi ngược lên san sát. Men theo những lối mòn, đi sâu vào trong mới thấy bằng lăng nhiều vô kể. Bằng lăng ở đây được dân địa phương gọi là cây “thầu lâu”, cùng chủng loại với bằng lăng ở núi Tàu (Tuy Phong, Bình Thuận). Cây mọc theo lùm bụi mang nét đặc trưng của vùng khô hạn, thân nhỏ nhiều nhánh, có gai to và cao nhất cũng chỉ hơn 3 m. Khác với các giống bằng lăng trồng ven đường ở đô thị hay trong công viên, bằng lăng thầu lâu ra hoa chi chít từ gốc lên đến ngọn, màu sắc tím hồng nhạt và cả tím đỏ tùy theo thời điểm hoa nở. Nếu tới đây vào đầu tháng 7 thì nơi này hoa rực rỡ. Bây giờ đã cuối mùa, nhưng bằng lăng ở đây vẫn còn hoa nở khá nhiều. Sau vài cơn mưa muộn, một số cây bây giờ đang đâm chồi và phát nụ chi chít. Nhiều người dân làm rẫy sát chân núi Đá Bạc nói, bằng lăng ở đây khoảng tháng tư là bắt đầu có rồi, tháng sáu, tháng bảy rộ và hoa lai rai nở cho tới tháng 10. Sau đó lá cũng bắt đầu rụng hết, cây chỉ còn thân cành chờ mùa mưa tích nhựa, để năm sau lại đâm chồi, ra lá, đơm hoa.
Bằng lăng tím khoe sắc ở Phước Diêm (Thuận Nam).
Thoáng gặp ở đây vài du khách chụp ảnh hoa, khuôn mặt ai cũng háo hức hình như họ cũng ngạc nhiên lắm khi mùa này bắt gặp hoa nở ở đây. Anh bạn, vốn là dân làm du lịch chuyên nghiệp tâm sự "Mình đi gần như khắp nơi ở Ninh Thuận, nhưng hôm nay mới biết có một khu rừng bằng lăng độc đáo như thế này, có thể nói là độc nhất vô nhị của tỉnh. Nếu được bảo vệ tốt, tổ chức dịch vụ, kết hợp với các điểm đến như làng chài, cánh đồng muối, chế biến cá, làm mắm Cà Ná - Phước Diêm, cùng cung đường biển đi Mũi Dinh đẹp nhất nhì Việt Nam...thì rừng bằng lăng này hứa hẹn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua của các tour du lịch, cho nhiều du khách tới thưởng ngoạn hay picnic cuối tuần. Được biết sắp tới, gần với rừng bằng lăng này, sẽ có 1 công trình điện gió được thi công. Hy vọng đấy cũng sẽ tạo thêm điểm nhấn thu hút khách du lịch tới đây.
Thanh Sơn