Người tiên phong đưa cây măng tây xanh về trồng tại vùng đất hồ Núi Một là ông Nguyễn Hữu Cư, ở thôn Sơn Hải 2. Hàng chục năm gắn bó với vùng đất này, ông Cư nhận thấy, dù nắng hạn, hồ Núi Một chưa năm nào cạn. Hơn 70 ha đất sản xuất quanh hồ luôn xanh tốt. Nước tưới quanh năm thuận lợi, nhưng bao đời nay nông dân vùng hồ Núi Một chỉ canh tác các loại cây truyền thống như: đậu phộng, cà chua, ớt… lợi nhuận không cao.
Nông dân Phước Dinh chăm sóc măng tây xanh.
Ông Cư trăn trở, tìm giống cây trồng mới có giá trị kinh tế cao thay thế cây màu truyền thống, nhằm cải thiện thu nhập. Năm 2018, sau khi tìm hiểu, ông xét thấy cây măng tây xanh đang được thị trường ưa chuộng, giá bán cao, công chăm sóc ít và cho thu hoạch đều, nên mạnh dạn đầu tư 3 sào măng tây xanh. Sau 6 tháng xuống giống và chăm sóc, cây măng tây xanh thích nghi tốt, cho năng suất khá. Trung bình, mỗi ngày ông thu từ 8-12 kg/sào. Với giá bán từ 50.000-55.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, hàng tháng mỗi sào măng tây xanh cho thu nhập hơn 10 triệu đồng, hiệu quả gấp 3 lần so với các loại hoa màu khác. Nhận thấy hiệu quả cây măng tây xanh mang lại, mới đây ông Cư tiếp tục đầu tư thêm 4 sào, nâng tổng diện tích măng tây xanh của gia đình lên 7 sào.
Thành công của ông Cư mở ra hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Phước Dinh. Hai năm qua, toàn xã có 25 hộ mạnh dạn chuyển từ các loại hoa màu sang trồng măng tây xanh. Tổng diện tích măng tây xanh toàn xã đạt hơn 10 ha. Trung bình, mỗi hộ có khoảng 4 sào măng tây xanh, hộ ông Bùi Văn Hảo sản xuất nhiều nhất là 8 sào. Theo ông Hảo, măng tây xanh thu hoạch tới đâu được thương lái đến tận nơi thu mua hết tới đó. Không lo tình trạng ế hàng, rớt giá, nông dân chỉ cần chuyên tâm chăm sóc tốt để nâng cao năng suất cây trồng.
Thấy rõ hiệu quả của sản xuất măng tây xanh, hiện nay nhiều hộ dân địa phương tiếp tục mở rộng diện tích. Tháng 5 vừa qua, anh Hồ Văn Thạnh, ở thôn Sơn Hải 2 quyết định chuyển 4 sào đất trồng đậu phộng sang trồng măng tây xanh. Anh hy vọng sẽ có cuộc sống tốt hơn từ sản xuất loại cây trồng này.
Anh Huỳnh Ngọc Hổ, cán bộ nông nghiệp xã Phước Dinh cho biết: Quá trình chuyển đổi từ các loại cây trồng khác sang trồng măng tây xanh, mỗi hộ dân được hỗ trợ 1,7 triệu đồng/sào để lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Để phát huy hiệu quả loại cây trồng này mang lại, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác, hướng tới phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững. Đồng thời, sẽ theo dõi chặt chẽ việc mở rộng diện tích măng tây xanh trên địa bàn xã để có hướng điều chỉnh phù hợp, tránh phát triển quá ồ ạt dẫn đến mất cân đối cung cầu.
Ngọc Diệp