Đây nghĩa trang bao anh hùng liệt sỹ
Khói hương vờn thấp thoáng giữa tầng không
Nén đau thương mẹ lần dò từng bước
Thăm mộ con rồi viếng mộ chồng.
TRẦN ĐÌNH THÂN
LỜI BÌNH
Trong chùm thơ viết về đề tài Thương binh - Liệt sỹ, nhà thơ Trần Đình Thân, hội viên Hội VHNT Ninh Thuận, có bài “Mẹ” để lại cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc.
Đây nghĩa trang bao anh hùng liệt sỹ
Khói hương vờn thấp thoáng giữa tầng không
Nén đau thương mẹ lần dò từng bước
Thăm mộ con, rồi viếng mộ chồng.
“Đây nghĩa trang…” Ba tiếng mở đầu bài thơ như thành kính và ngưỡng mộ - nơi đây chốn yên nghỉ vĩnh hằng của các anh hùng liệt sĩ. Tri ân các anh hùng đã trở thành truyền thống, trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta. Ngày ngày, người người đến từng ngôi mộ nghĩa trang thắp những nén nhang thơm, thành kính, tri ân dâng lên hương hồn các anh, các chị, những người lính hiên ngang, kiêu dũng một thời, những người mang vẻ đẹp lý tưởng của thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng. Trong cuộc chiến đấu sinh tử với quân thù, họ đã ngã xuống trở thành tấm gương giữ nước chói ngời cho muôn đời con cháu mai sau. Trân trọng biết bao, lòng tri ân của nhân dân ta với các anh hùng liệt sĩ được kết đọng trong hình ảnh hiện hình mờ tỏ: khói hương. Khói hương bay nghi ngút rồi vờn lượn giữa tầng không đất trời như dải lụa mềm biết ơn người đã khuất. Khói hương vờn lượn giữa thanh thiên bạch nhật, tín hiệu giao cảm giữa trời và đất; giao cảm tâm linh giữa người được hưởng hạnh phúc muôn đời với những người anh hùng hi sinh đã không hề tiếc máu xương đem lại tự do, hạnh phúc trường tồn cho dân tộc? Đó cũng là lời nhắn gửi muôn đời sau: “Hương khói đừng quên nấm mộ nào”
Ảnh: P.Binh
Người mẹ yêu nước, đầy nghị lực, tình cảm riêng quyện chặt trong tình cảm chung của dân tộc. Người mẹ chân yếu, mắt mờ, tóc bạc lần dò từng bước, từng bước một, đè nặng lên mình nỗi đau ngàn cân: thăm mộ con, lại tiếp thắt lòng viếng mộ chồng trong nghĩa trang chiều thiêng quyện đầy hương khói ấy.
Nén đau thương mẹ lần dò từng bước
Thăm mộ con, rồi viếng mộ chồng.
Câu thơ có nói gì đến nước mắt đâu mà sau mỗi con chữ hiện lên, tận cùng của nỗi đau, giọt, từng giọt nước mắt ta ứa ra, túa ra, tuôn trào uất nghẹn?
Nỗi đau của mẹ chồng chất, có thước, cân nào đo hết được, ngôn ngữ nào nói hết được, khi người chồng chung thủy rồi đứa con ngoan mang nặng đẻ đau của mẹ có ngày chia tay mà mãi mãi ra đi không có ngày trở lại! Câu thơ như đi vào vùng xoáy cảm xúc – suy tư. Ngọn núi chất ngất thương đau hiện lên chừng như muốn đè nặng lên tấm thân gầy của mẹ, làm sao mẹ ta chống đỡ nổi mà không phải đổ xuống, gục xuống? Ấy thế mà: Không, mẹ ta tự gồng mình, lấy lại sức lực, niềm tin sự sống đứng lên. Lòng yêu nước, thương nòi, truyền thống ông cha ăn sâu trong cốt tủy, nằm sẵn trong trái tim hồng của mẹ? Mẹ đứng thẳng dậy, lấy lại niềm tin, bởi mẹ làm một việc phi thường không phải ai cũng làm được: mẹ nén lại (nén đau thương). Nén là kìm giữ không bộc lộ nỗi đau ra ngoài, nước mắt nuốt vào trong.
Xúc động làm sao hình ảnh: người Mẹ cúi xuống, hai tay run rẩy, chới với, trái tim bỏng rát, nức nở, ôm choàng lấy ngôi mộ người con; rồi mẹ lại liêu xiêu tiến đến ôm choàng lên ngôi mộ người chồng. Mẹ đã trở thành tên gọi chung đầy cảm mến cho tất cả chúng ta: Mẹ Việt Nam anh hùng !
Đã có nỗi đau nào, ở đâu, cào xé ruột gan ta, lay động tâm thức ta, thẳm sâu, nao lòng ta đến vậy !
Mẹ ta rồi sẽ già nua theo thời gian, nhưng lòng yêu nước, thương nòi, tình làng, nghĩa xóm, thương chồng, thương con của mẹ mãi mãi tươi trẻ, chiếu sáng ngày ngày như mặt trời, vằng vặc tỏa sáng như trăng sao nhấp nháy giữa đất trời lồng lộng đêm về…
Thái Hà