Chúng tôi đến thăm Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hai ở số nhà 126 đường Yết Kiêu thuộc khu phố 3, phường Mỹ Hương, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm. Trao đổi với nghệ nhân tâm huyết có nhiều thành công trong lĩnh vực sáng tác lời mới cho cổ nhạc, chúng tôi được biết ông gốc gác ở thôn Long Bình thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước. Từ khi lên 8 tuổi, cha mẹ đưa ông về sinh sống ở phường Mỹ Hương. Học hết tiểu học, ông ở nhà phụ việc gia đình và đam mê đàn hát cổ nhạc. Vừa tròn 15 tuổi, ông mê mẫn giọng ca vàng của Nghệ sĩ Út Trà Ôn với các bài Ông lão chèo đò, Tình anh bán chiếu và tiếng đờn kìm huyền thoại của nghệ sĩ Ba Vân. Ông tự học chơi bài bản cổ nhạc từ máy hát dĩa theo tiếng đờn của nghệ sĩ tài danh Ba Vân và tập ca theo giọng nam trầm của Út Trà Ôn. Thấy chàng trai Văn Hai hiền hậu đam mê cổ nhạc nên các bậc cao niên trong nhóm ĐCTT ở Phan Rang như Hai Quẩn, Ba Tre, Bảy Tòng có lòng yêu mến truyền dạy “miễn phí” các bài bản tổ cho ông. Nhờ lao tâm khổ tứ học hỏi, đến năm 20 tuổi, ông nằm lòng 20 bài bản tổ của nghệ thuật ĐCTT bao gồm 6 bản Bắc, 3 bản Nam, 7 bản nhạc lễ, 4 bản oán. Với tấm lòng trong sáng vì yêu thích và biểu diễn bài bản ca cổ của ông bà xưa truyền lại, nên tiếng đàn giọng ca của chàng trai trẻ Văn Hai được người yêu thích cổ nhạc ở Phan Rang mến mộ.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hai tâm huyết với quê hương Ninh Thuận.
Ông Nguyễn Văn Hai bắt đầu biên soạn đặt lời mới bài bản ĐCTT từ những năm đầu chào mừng quê hương Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng, ngày 16-4- 1975. Bản ca cổ đầu tay do ông đặt lời mới có tên Niềm vui đã trọn ước mơ, ông viết:”Trên quảng đường dài hành quân gian khổ/chiến đấu kiên cường thắng lợi đã về ta/khúc khải hoàn trỗi nhịp khắp gần xa/niềm kiêu hảnh dưới ngọn cờ hồng rực rỡ/chiến thắng này ngàn năm một thuở/Ninh Thuận quê mình nay được hồi sinh”. Bài ca cổ này được giới yêu thích ĐCTT trên địa bàn tỉnh biểu diễn tại các chương trình văn nghệ quần chúng trong những năm đầu quê hương mới giải phóng. Nhận thấy lời ca của mình được công chúng yêu thích đã động viên ông tiếp tục đặt lời mới trên 100 bài hát cổ nhạc. Nội dung tập trung chủ đề hát mừng quê hương Ninh Thuận ngày càng phát triển thịnh vượng, đời người dân ngày càng no ấm. Từ tuyến đường mới 16 Tháng 4 đến công trình cầu An Đông, tuyến đường ven biển Bình Tiên- Cà Ná… đều được ông đặt lời mới cho các làn điệu ca cổ chào mừng các công trình có ý nghĩa lịch sử của quê hương trên bước đường đổi mới. Các bài ca cổ do Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hai đặt lời mới được câu lạc bộ ĐCTT tỉnh ta dàn dựng biểu diễn tham gia liên hoan ĐCTT toàn quốc.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hai chia sẻ kinh nghiệm sáng tác với nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh nhằm chung tay gìn giữ nhạc cổ truyền dân tộc. Ông tận tâm truyền dạy bài bản ĐCTT và biểu diễn thành thạo các nhạc cụ ghi ta phím lõm, đàn kìm, đàn sến cho con ruột Nguyễn Thiện Đức. Ông khuyến khích tạo điều kiện giúp anh Đức thành lập điểm hẹn ĐCTT sinh hoạt vào tối thứ 7 hàng tuần, tại khu phố 1 thuộc phường Mỹ Hải. Điểm hẹn tạo sân chơi cho các nghệ nhân giao lưu đờn ca và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng yêu thích bộ môn nghệ thuật truyền thống. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hai được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen do đã có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được tổ chức UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng giấy khen do đã có thành tích góp phần vào sự thành công của Đoàn Nghệ thuật ĐCTT Ninh Thuận tại Festival ĐCTT quốc gia lần thứ II- Bình Dương năm 2017”.
“Tôi rất vui mừng và tự hào được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Ninh Thuận. Đây là phần thưởng cao quý động viên tôi tiếp tục tham gia bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật ĐCTT. Tôi truyền nghề và động viên con trai là Nghệ nhân Nguyễn Thiện Đức cùng các cháu giữ nghiệp ĐCTT, góp phần làm giàu đời sống văn hóa trên quê hương Ninh Thuận”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Hai chia sẻ niềm vui.
Sơn Ngọc