Xu hướng chuyển dịch năng lượng
Tại Hội thảo "Chuyển dịch cơ cấu năng lượng gắn với phát triển hạ tầng năng lượng bền vững trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn ra chiều 22/7, ông Nguyễn Hữu Đức, Phó trưởng Ban Kỹ thuật – Sản xuất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện nay, nguồn điện từ thủy điện tại Việt Nam là 66117 GWh (27,6%), Nhiệt điện than chiếm 49,8%; Tuabin khí, nhiệt điện khí là 44568 GWh (18,5%); Nhập khẩu 3369 GWh (1,7%), còn năng lượng tái tạo là 5890 GWh (2,4%), chiếm tỷ lệ nhỏ.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Đức, năng lượng tái tạo đang có những bước phát triển tại Việt Nam. Ông Đức dẫn chứng: Trước năm 2019, không có nhà máy điện mặt trời nào đấu nối lưới điện 110kV trở lên, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2019, có 89 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất là 4550 MW đã được thử nghiệm, đóng điện và hòa lưới điện Quốc gia. Ngoài ra, còn có 6980MW điện gió tại các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, ngành năng lượng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc chuyển dịch cơ cấu năng lượng trong thời gian qua cho thấy ngành năng lượng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng nhanh, lớn mạnh cả quy mô tốc độ tăng trưởng khoảng 4,7%/năm. Nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh. Thủy điện cũng đã phát triển nhanh trong cơ cấu năng lượng sơ cấp từ 4,8% năm 2007 lên mức trên 10% hiện nay; còn trong cơ cấu nguồn điện thì thủy điện chiếm 43% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
“Thời gian qua, chúng ta đã ban hành chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu năng lượng như: Luật Điện lực, Luật Dầu khí... cùng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo cùng với các giải pháp thực hiện theo định hướng cơ chế chính sách đột phá của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị thì xu thế phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian tới sẽ được tăng cường”, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Cần cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo
Sự có mặt của các dự án năng lượng điện tái tạo đã góp phần bổ sung thêm nguồn điện mới cho hệ thống trong điều kiện nhiều dự án điện lớn khó triển khai, nhưng các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần một quy hoạch bài bản cho phát triển năng lượng. Vì nếu hạ tầng truyền tải không theo kịp các dự án phát triển nguồn, các nguồn lực đầu tư sẽ không thể phát huy tối đa hiệu quả...
Là doanh nghiệp đang thực hiện kinh doanh khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), bà Bùi Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty Angelin Energy cho biết, hiện tại, Angelin Energy đang hợp tác với đối tác chiến lược là Tập đoàn dầu khí quốc gia Nhật - Japex (Japan Petroleum Exploration) thực hiện dự án sản xuất LNG quy mô nhỏ. Mặc dù hiện nay đã có các quy định trong ngành nhưng vẫn thiếu các quy định cụ thể, chi tiết nên doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện. Do đó, bà Vân mong muốn cơ quan quản lý sẽ tạo cơ chế, mở ra cơ hội để các nhà đầu tư FDI có thể đầu tư, nhập khẩu và phát triển các dự án này tại thị trường Việt Nam.
Ông Phạm Hồng Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN kiến nghị, Bộ Công Thương sớm hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể đồng bộ nguồn năng lượng tái tạo quốc gia, trong đó chú trọng cân đối cơ cấu nguồn với các loại hình năng lượng và đồng bộ với hệ thống truyền tải.
“Vì là chuyển dịch mới nên phá vỡ nhiều quy hoạch và các dự án truyền tải thường có độ trễ về thời gian. Cần có quy hoạch tổng thể về năng lượng tái tạo, cân đối loại hình năng lượng tái tạo theo vùng miền và đồng bộ với hệ thống năng lượng truyền tải từ nhà máy vào các đường dây truyền tải quốc gia để xem xét tổng thể”, ông Phương đề xuất.
Cùng với đó, ông Phương đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách đảm bảo huy động tối đa nhà đầu tư, thành phần kinh tế - xã hội tham gia đầu tư dự án năng lượng tái tạo, tạo thêm nguồn năng lượng phục vụ sản xuất kinh tế - xã hội.
“Hai năm qua, chúng ta vẫm "ném đá dò đường", chính sách mới ở bước đầu nhưng chưa tạo được sân chơi có tính chất cạnh tranh và mang lại hiệu quả cuối cùng cho phát triển ktinh tế - xã hội. Do đó, thời gian tới cần nhiều giải pháp để thu hút nhà đầu tư vào khu vực này và tạo sự cạnh tranh sòng phẳng minh bạch cho các nhà đầu tư và giám sát đầu tư, tạo hiệu quả cho nền kinh tế”, ông Phương đề xuất.
Đại diện EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện ban hành tiêu chuẩn về kỹ thuật bao gồm dự án, kết nối mới để hướng dẫn EVN có chuẩn chung thực hiện vì hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào riêng các loại hình... Đồng thời, cơ quan quản lý cần xem xét cho các nhà đầu tư dự án được đầu tư thêm hệ thống truyền tải để kết nối với các điểm nút quan trọng của quốc gia.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết thời gian tới Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế đấu thầu, thay thế cơ chế giá FIT như hiện nay đang áp dụng để đảm bảo minh bạch trong phát triển năng lượng tái tạo.
“Để hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo hiệu quả, cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế chính sách thúc đẩy thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Ngoài ra, chúng ta cũng cần điều chỉnh bổ sung các cơ sở pháp lý chính sách như sửa đổi Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả hay xây dựng Luật về Năng lượng tái tạo... Với chính sách trong thời gian tới như vậy, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ phát triển được các nguồn năng lượng tái tạo tiềm năng”, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết.
Theo TTXVN/Báo Tin tức