Tiến sĩ Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội KH&KT Việt Nam và đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Liên hiệp Hội KH&KT tỉnh đồng chủ trì buổi tọa đàm. Tham dự còn có lãnh đạo một số sở, ngành và 15 doanh nghiệp đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Sở Công thương phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: H.Lâm
Với đặc thù khí hậu khô hạn, nguồn gió lớn và nắng nóng gay gắt, Ninh Thuận là một trong những địa phương hội tụ đầy đủ yếu tố để hình thành vùng năng lượng sạch. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP, ngày 31-8-2018 về thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023; trong đó, chấp thuận chủ trương phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, đây được xem là bước đột phá trong phát triển NLTT, tạo nguồn dự trữ an ninh năng lượng quốc gia bền vững và có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá những thuận lợi và hạn chế trong triển khai điện NLTT trên địa bàn tỉnh. Đa số các ý kiến đều đánh giá cao công tác chỉ đạo cũng như các giải pháp thiết thực mà tỉnh thực hiện trong thời gian qua góp phần cụ thể hóa mục tiêu sớm đưa Ninh Thuận thành trung tâm NLTT của cả nước. Nhằm tạo sự đồng bộ trong phát triển chung của các dự án năng lượng, các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tỉnh cần quy định rõ thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp, làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ giải quyết nhanh các thủ tục pháp lý đầu tư dự án. Khẩn trương, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện để giải tỏa hết công suất các dự án năng lượng tái tạo đang triển khai ở địa phương; đây là một trong những khó khăn, điểm nghẽn lớn nhất cần có giải pháp tháo gỡ sớm, tránh giảm phát điện và gây ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
Hồng Lâm