Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 1, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương coi công tác giải tỏa công suất phát điện của các nhà máy điện mặt trời, điện gió là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, yêu cầu tập trung thực hiện. Với sự nỗ lực vào cuộc của các ngành, các cấp đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, đến nay tiến độ hoàn thành một số công trình hạ tầng truyền tải điện đảm bảo đúng theo kế hoạch.
Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước đưa vào vận hành giải tỏa công suất cho các nhà mày điện mặt trời, điện gió. Ảnh: Anh Tùng
Hiện nay, UBND tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 47 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 3.009,6MW (điện gió 13 dự án/632,75MW; điện mặt trời 34 dự án/2.376MW). Phần lớn các dự án đã triển khai theo đúng tiến độ quy định tại quyết định chủ trương đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm 2020, có thêm 7 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất 378MW, nâng tổng dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đưa vào vận hành 25 dự án, tổng công suất 1.561MW. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có 37 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng công suất 2.473,6MW, sản xuất khoảng 5.038 tỷ kWh/năm. Với các dự án trên, tỉnh ta trở thành địa phương có số dự án năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, việc phát triển năng lượng tái tạo không đồng bộ với đầu tư hạ tầng truyền tải điện tương ứng, nên từ năm 2019 đến nay có 10 dự án điện với tổng công suất 359 MW phải thực hiện giảm phát 60% công suất, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư hàng trăm tỷ đồng.
Tháo gỡ khó khăn trên, UBND tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng truyền tải điện để đạt mục tiêu giải tỏa công suất 2.000MW điện mặt trời trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2020. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã tham mưu xây dựng tiêu chí lựa chọn Trung Nam Group là doanh nghiệp tư nhân đầu tiên đầu tư 12.000 tỷ đồng xây dựng Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây 500kV, 220kV dài 17 km đấu nối vào hệ thống điện quốc gia. Sở cũng đã Đề xuất Bộ Công thương bổ sung quy hoạch tuyến ĐZ 110kV đấu nối Phước Thái - Phước Hữu, chấp thuận hiệu chỉnh đoạn tuyến G2-G4 đường dây 110kV đấu nối dự án Nhà máy điện mặt trời Solar Farm Nhơn Hải; hướng tuyến dây 220kV đấu nối Nhà máy thủy điện Tân Mỹ; điều chỉnh hướng tuyến dây 220kV đấu nối Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 12 và Trạm biến áp 220kV Nhị Hà. Đồng thời, xem xét phê duyệt bổ sung quy hoạch các tuyến đường dây 110kV đồng bộ với Trạm biến áp 220kV Phước Thái để chủ đầu tư có cơ sở triển khai kịp thời các bước tiếp theo nhằm giải tỏa công suất các dự án năng lượng tái tạo.
Các đơn vị đẩy nhanh thi công Dự án Nhà máy Điện mặt trời 450 MW tại xã Phước Minh kết hợp với
đấu trạm biến áp 500kV Thuận Nam và đường dây 500kV, 220 kV. Ảnh: V.Nỷ
Quá trình thực hiện, Sở Công Thương phối hợp với ngành chức năng, các địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình đầu tư, đề xuất tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư dự án, nhất là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng móng trụ, hành lang, trạm và đường dây. Công tác giải phóng mặt bằng Nhà máy điện mặt trời 450MW tại xã Phước Minh kết hợp với đầu tư Trạm biến áp 500kV Thuận Nam đến nay đạt khoảng 85%, nhờ đó đảm bảo tiến độ thi công. Ở hạng mục Trạm biến áp 500kV, phát quang, san ủi mặt bằng được 22,4 ha/22,4, đạt 100% khối lượng; bê tông móng đỡ thiết bị các loại có 24/118 móng, đạt 20% khối lượng. Ở hạng mục đường dây đấu nối 500 kV đã đào và đổ bê tông được 17/34 trụ; đường dây 220 kV đã hoàn thành đổ bê tông 5/8 móng, đạt 63% khối lượng. Đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Với tiến độ giải phóng mặt bằng nhanh, tốc độ thi công đồng đều như hiện nay, đảm bảo dự án hoàn thành đúng theo kế hoạch, dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 10 tới.
Nỗ lực giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời, điện gió của các ngành, các cấp, các doanh nghiệp là đáng ghi nhận. Ngày 29-6 vừa qua, Trạm biến áp 220 kV Ninh Phước và đấu nối chính thức đóng điện. Dự án triển khai vào tháng 12- 2019 hoàn thành sớm hơn kế hoạch 6 tháng, giải tỏa công suất cho 10 nhà máy điện mặt trời, 1 nhà máy điện gió, góp phần phục vụ phát triển kinh tế- xã hội tỉnh.
Anh Tùng