Xã Công Hải (Thuận Bắc) hiện có 1.635 hộ dân, với hơn 7.620 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Raglai chiếm khoảng 70% dân số. Trước đây nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc về chăm sóc SKSS còn rất hạn chế, khi mang thai đến kỳ sinh nở phụ nữ thường đẻ tại nhà còn khá phổ biến. Nhưng từ năm 2008 trở lại đây, khi dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ sức khỏe sinh sản” tỉnh triển khai trên địa bàn thì tình trạng trên từng bước đã được khắc phục.
Bác sĩ Lê Tấn Sửu, Trưởng Trạm Y tế xã Công Hải khám bệnh cho nhân dân.
Bác sĩ Lê Tấn Sửu, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: Qua hơn 3 năm thực hiện, Dự án có tác động rất lớn đến công tác chăm sóc SKSS của người dân trên địa bàn. Ngoài việc hỗ trợ các dụng cụ chuyên dùng cho công tác chăm sóc SKSS, như: bàn đẻ, bàn khám phụ khoa, tủ sấy khô, sấy ướt,...giúp Trạm có điều kiện thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình, Dự án còn cấp phát các trang thiết bị loa cầm tay, Tivi, đầu đĩa VCD...cho Ban Dân số xã để phục vụ công tác tuyên truyền, đồng thời tổ chức tập huấn, đào tạo nghiệp vụ về công tác chăm sóc SKSS cho các nữ hộ sinh, cán bộ y tế thôn bản trên địa bàn. Chính nhờ được đầu tư trang thiết bị và tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông nên trong quá trình thực hiện, đội ngũ cộng tác viên chăm sóc SKSS, cán bộ chuyên trách phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, các nữ hộ sinh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vào các thôn có mức sinh cao, thiếu hiểu biết về chăm sóc SKSS để vận động người dân chuyển đổi hành vi trên cơ sở có nhận thức đầy đủ các gói dịch vụ: Làm mẹ an toàn để đảm bảo sức khỏe cho cả bà mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh, cách phòng chống các bệnh lây nhiểm đường sinh sản, cách cho con bú...
Cùng với việc tuyên truyền cho phụ nữ, nam giới cũng được xác định có vai trò rất quan trọng trong công tác chăm sóc SKSS. Vì thế, hằng năm Trạm Y tế, Ban Dân số - KHHGĐ xã Công Hải luôn phối hợp với các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên lồng ghép tuyên truyền những việc nam giới cần làm giúp vợ khi vợ mang thai như: Chủ động đưa vợ đi khám thai ít nhất 3 lần tại cơ sở y tế; làm các việc nặng nhọc thay vợ; chuẩn bị các phương tiện để đưa vợ đến các cơ sở y tế khi vợ chuyển dạ. Thường xuyên tổ chức cân, tiêm phòng véc xin và cho uống Vitamin định kỳ đầy đủ đối với trẻ dưới 5 tuổi... Như “mưa dầm thấm lâu”, khi hiểu được ý nghĩa của việc chăm sóc SKSS, đa số bà con trong xã đã thay đổi nhận thức, từ bỏ tập quán đẻ tại nhà, khi mang thai chị em đã tự nguyện đến Trạm Y tế xã để khám thai đầy đủ. Nhiều chị không chỉ thực hiện tốt công tác chăm sóc SKSS cho bản thân mà còn tích cực tham gia tuyên truyền vận động, khuyên nhủ các phụ nữ khác ở địa phương mình làm theo.
Bằng những biện pháp, cách làm cụ thể trên, chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, trong tổng số 211 phụ nữ mang thai trên địa bàn được quản lý thì có đến 207 ca đẻ tại các cơ sở y tế và Trạm y tế xã, số còn lại dù sinh đẻ tại nhà nhưng đều có nữ hộ sinh đỡ đẻ và đội ngũ y tế thôn bản hướng dẫn nên tình trạng sản phụ bị nhiễm trùng, bị băng huyết sau khi sinh dường như không còn. Điều đó cho thấy, khi công tác truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ được thực hiện thường xuyên, đúng đối tượng thì hiệu quả mang lại là rất quan trọng. Đây chính là một trong những yếu tố cơ bản giúp Công Hải nâng cao chất lượng dân số như ngày hôm nay.
Nhật Lệ