Theo Chi cục Thủy sản (TS) tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 450 cơ sở sản xuất tôm giống với tổng thể tích bể ương trên 140.000 m3, gồm 2 khu sản xuất giống thủy sản tập trung có diện tích 225 ha, trong đó tại xã An Hải (Ninh Phước) có 125 ha và xã Nhơn Hải (Ninh Hải) có 100 ha. Trong những tháng đầu năm, do chịu tác động của đại dịch COVID-19 đã làm hạn chế việc vận chuyển, lưu thông con giống đi các vùng miền cả nước, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Bên cạnh đó, kết hợp nguồn tôm mẹ thẻ chân trắng khan hiến do các nước cung cấp có dịch (chủ yếu là Mỹ), nên hoạt động sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh cũng chững lại. Tương tự ý kiến trên, theo phân tích của Hiệp hội Giống TS tỉnh, việc không thông quan hàng hóa, tình hình xuất khẩu tôm thương phẩm ngưng trệ, không ai thả giống nuôi tôm trong ao khi không tiêu thụ được nên giống dư thừa. Một điểm nữa, vì phụ thuộc nguồn tôm bố mẹ từ nước ngoài, khi đại dịch COVID-19 làm tê liệt tất cả hoạt động vận tải nên kế hoạch nhập khẩu hàng tôm giống bố mẹ cũng bị vỡ theo.
Sản xuất tôm giống PL12 chất lượng cao tại Công ty CP Đầu tư S6, xã Tri Hải (Ninh Hải).
Tuy nhiên sau khi tỉnh ta thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, hoạt động vận tải trở lại bình thường và tình trạng hạn mặn tại khu vực ĐBSCL có phần suy giảm, giá tôm thương phẩm có xu hướng tăng dần đã khuyến khích người dân thả nuôi, làm nhu cầu con giống tăng cao trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong giai đoạn từ giữa tháng 4 đến nay. Tính từ đầu năm đến ngày 31-5, sản lượng tôm giống toàn tỉnh là 18,550 tỷ con, đạt 51,5% kế hoạch và 117,4% so với cùng kỳ; ước đến cuối tháng 6 sản lượng sẽ đạt 21,013 tỷ con post, đạt 58,4% kế hoạch năm và vượt 8,8% so với cùng kỳ, trong đó có 4,6 tỷ giống tôm sú và 16,413 tỷ giống tôm thẻ. Xác định đây là thời điểm chính của nghề sản xuất kinh doanh giống thủy sản, hầu hết cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn tỉnh đều đi vào hoạt động. Đơn cử Công ty Cổ phần (CP) Đầu tư S6, một doanh nghiệp (DN) sản xuất tôm giống sạch bệnh đầu đàn có quy mô sản xuất lớn nhất và trang thiết bị tốt nhất của tỉnh (không kể các DN có vốn đầu tư nước ngoài), trong quý 1 có kế hoạch sản xuất 180-200 triệu tôm post nhưng chỉ thực hiện đạt 40%, nay để bù lại thiệt hại trong dịch COVID-19, dự kiến trong tháng 7 sẽ sản xuất 60-70 triệu tôm post cung cấp trên thị trường.
Vừa đi một vòng 7 tỉnh miền Tây về, anh Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống TS tỉnh, cũng là Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư S6, cho biết mục đích chuyến đi nhằm khảo sát mức độ thả giống nuôi ở vùng nuôi tôm thương phẩm; tình hình nhiễm mặn còn diễn ra hay không; đồng thời dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành tôm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Qua đó Hiệp hội nói chung và S6 nói riêng có chiến lược phát triển phù hợp. Trong thời gian cách ly xã hội, do hạn chế tiếp xúc, đi lại trong cộng đồng nên công tác tiếp thị, chăm sóc khách hàng của các DN, cơ sở ngưng hoạt động, dẫn đến gián đoạn nguồn giống cho nuôi tôm thương phẩm. Vì vậy giờ là dịp các DN, cơ sở sản xuất giống khắc phục khó khăn. Đối với S6, trong thực tế, kể từ ngày 19-5 đã nhập về 1.004 con tôm bố mẹ từ Mỹ, đang khôi phục sản xuất và đã có đơn đặt hàng lại. Xác định COVID-19 còn kéo dài, Ban Giám đốc S6 đưa ra định hướng sẽ dùng công nghệ thông tin (điện thoại, laptop, internet…) để liên hệ khách hàng, nhận đơn đặt hàng và cung cấp con giống cho phù hợp. Đặc biệt với cơ sở vật chất được đầu tư và kết hợp ứng dụng khoa học-công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, S6 được Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) chọn là DN đầu tiên thí điểm ứng dụng tem điện tử thông minh trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm đặc thù của tỉnh (ở đây là tôm giống).
Theo anh Dư Ngọc Tuân, Phó Chi cục trưởng Chi cục TS tỉnh, để được ứng dụng tem truy xuất thông minh đặc sản Ninh Thuận nói trên, DN tôm giống phải đáp ứng đòi hỏi rất khắt khe về các điều kiện sản xuất, nhất là về chất lượng con giống. Cho đến nay, S6 đã cho thấy sự vượt trội về chất lượng con giống, đơn cử hiện giá bán tôm thẻ giống PL 12 trên thị trường dao động từ 33- 65 đồng/con (tùy cơ sở), nhưng đối với tôm giống của S6 có giá là 110 đồng/con mà vẫn luôn “cháy hàng”. Có thể nói, kể từ khi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Tôm giống Ninh Thuận” vào ngày 15-5-2018, việc thí điểm ứng dụng tem điện tử thông minh nói trên là sự kiện đáng chú ý hơn cả trong sản xuất tôm giống. Trong tình hình dịch COVID-19 ở nước ta nói chung và ở tỉnh ta nói riêng đã được kiểm soát, đây được coi là tín hiệu lạc quan góp phần thúc đẩy quảng bá uy tín, chất lượng và hình ảnh nhãn hiệu“Tôm giống Ninh Thuận”.
Bạch Thương