Xã Lợi Hải có nhiều ưu thế trong sản xuất nông nghiệp, với đất đai bằng phẳng, kênh mương thủy lợi đầu tư đồng bộ. Khai thác tiềm năng, lợi thế, vài năm trở lại đây, một số nông hộ đã mạnh dạn đưa cây MTX vào trồng thử nghiệm và cho hiệu quả kinh tế khá cao. Nhằm hướng tới quy mô sản xuất tập trung, tạo đầu ra ổn định, năm 2019, các hộ trồng liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp và MTX Lợi Hải; qua đó, tạo ra khối lượng sản phẩm dồi dào, mở ra hướng làm ăn mới cho nông dân địa phương. Ông Vũ Mạnh Hoàn, Giám đốc HTX, cho biết: HTX hiện đang canh tác 7,6 ha MTX, với 15 thành viên liên kết với Công ty TNHH MTX Linh Đan Ninh Thuận bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch. Từ khi triển khai đến nay, MTX đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác, giá bán dao động từ 50-60 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, hộ trồng thu lãi từ 6-8 triệu đồng/sào/tháng. Hiện nay, HTX cũng đang liên kết với HTX Oganic Ninh Thuận trồng 1,8 ha MTX sản xuất theo hướng hữu cơ tại thôn Ấn Đạt và Kiền Kiền, đây là điều kiện quan trọng để từng bước nâng tầm thương hiệu MTX trên địa bàn trong thời gian tới.
Cây măng tây xanh mở ra triển vọng mới trong sản xuất nông nghiệp, tạo thu nhập ổn định cho nông dân huyện Thuận Bắc.
Qua thực tế sản xuất, cây MTX đem lại năng suất khá, giá bán cao và thị trường tiêu thụ rộng, do đó kế hoạch mở rộng diện tích luôn được huyện quan tâm, chú trọng. Ngoài tập trung phát triển chính tại xã Lợi Hải, khu vực xã Bắc Phong và Bắc Sơn được xác định phù hợp để đưa cây MTX vào canh tác. Để phục vụ cho việc phát triển cây MTX ở những vùng này, huyện linh hoạt bố trí nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng đường giao thông, kênh mương nội đồng, tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thực hiện Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND, ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020, công tác hỗ trợ được triển khai kịp thời, tạo thuận lợi để người dân yên tâm sản xuất chuyên canh MTX. Tiêu biểu như hộ ông Mang Sản, ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, với 1,2 sào đất trồng lúa thiếu nước, năng suất đạt thấp, ông mạnh dạn chuyển sang trồng MTX, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt do địa phương hỗ trợ; nhờ đó, MTX phát triển tốt, mỗi ngày cho thu hoạch từ 4-5 kg, với giá thu mua 50 ngàn đồng/kg, gia đình có thu nhập trên 200 ngàn đồng/ngày.
Với khả năng thích nghi tốt trong điều kiện khí hậu nắng nóng, phù hợp hợp với thổ nhưỡng ở địa phương, nên diện tích MTX ngày càng mở rộng, đến nay đạt 13,1 ha, với khoảng 32 nông hộ tham gia trồng. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, huyện tiếp tục nhân rộng diện tích MTX lên 20 ha; đồng thời, phát triển lên trên 100 ha trong những năm tới, quyết tâm đưa cây MTX trở thành cây trồng chủ lực trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững.
Nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra, theo đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, địa phương đang tập trung rà soát, đánh giá khả năng thích nghi của MTX ở từng khu vực, làm cơ sở nhân rộng. Bên cạnh đó, triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ, lập danh sách các hộ trồng MTX trên địa bàn được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; vận động doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân nâng mức hỗ trợ kinh phí mua giống; phối hợp ngành chức năng tăng cường triển khai quy trình chăm sóc và quản lý dịch hại trên cây trồng để các hộ có thêm điều kiện đưa MTX vào sản xuất đại trà.
Hồng Lâm