Hiện nay, trên địa bàn huyện Ninh Phước có 12 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; 12 cơ sở dịch vụ tiệc cưới; 58 bếp ăn tập thể; 54 cơ sở dịch vụ ăn uống cố định; 326 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thời gian qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo ATTP; trong đó, đặc biệt chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Ninh Phước.
Đồng chí Bạch Văn Nguyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Để nâng cao công tác đảm bảo ATTP, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về ATTP; các tiêu chuẩn, quy định điều kiện và kiến thức về ATTP để giúp mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc đảm bảo ATTP. Đồng thời, các đơn vị chức năng của huyện thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra theo phân cấp quản lý nhà nước; tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP cho các hộ kinh doanh tại các chợ, trường học trên địa bàn về cách thức chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm. Ngoài ra, còn tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách chọn mua thực phẩm an toàn; cách chế biến thực phẩm an toàn; khuyến khích người dân lựa chọn các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP cũng được triển khai đồng bộ, quyết liệt ở các cấp.
Từ năm 2019 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện và các xã, thị trấn đã tổ chức các đợt kiểm tra 657 cơ sở sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP, khám sức khỏe định kỳ, cập nhật kiến thức về vệ sinh ATTP cho chủ cơ sở kinh doanh và người lao động theo quy định. Qua kiểm tra, có 591 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP và thực hiện tốt các quy định về thủ tục kinh doanh. Đoàn đã lập biên bản xử phạt hành chính 130 cơ sở; nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở làm giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo đúng quy định; tiêu hủy tại chỗ một số mặt hàng bánh, kẹo, sữa…hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh sự nỗ lực của các ngành chức năng trong việc đảm bảo ATTP ở địa phương còn tồn tại nhiều khó khăn, như: Một số cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa chú trọng đến việc đăng ký hồ sở để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; việc đảm bảo vệ sinh tại cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất theo quy định.
Để công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn huyện đạt kết quả, thời gian tới, huyện Ninh Phước tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về ATTP trên hệ thống thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn; chủ động giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, xử lý nhanh khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, đề xuất các biện pháp khắc phục hiệu quả.
Tiến Mạnh