Một trong những điểm nổi bật trong 5 năm qua là huyện Bác Ái đã thu hút đầu tư về phát triển các dự án năng lượng mặt trời, chế biến thức ăn gia súc và phát triển các loại cây trồng như: bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long, chuối Nam Mỹ, dưa lưới... theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Qua đó, giảm được diện tích đất bỏ hoang, đưa giá trị sử dụng đất tăng lên và tạo sức bật đối với nhóm ngành kinh tế trọng yếu. Gần 5 năm qua, huyện Bác Ái đã đầu tư vào nền kinh tế hơn 1.230 tỷ đồng vốn ngân hàng; 500 tỷ đồng vốn chương trình 30a và hơn 1.100 tỷ đồng từ các nguồn huy động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, công trình phúc lợi xã hội... Đây là nguồn lực quan trọng giúp cho huyện Bác Ái thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt trên 15% và đưa giá trị gia tăng ngành xây dựng tăng hàng năm trên 30%. Với những kết quả đạt được nếu so với mục tiêu của Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, đến nay, huyện Bác Ái đã có 25/30 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng Đảng đạt và vượt kế hoạch; nâng thu nhập bình quân đầu người lên 17,2 triệu đồng/người/năm, tăng 72% so với năm 2015. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52,13% năm 2016 xuống còn 29,25% vào năm 2020.
Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Trong ảnh: Thu hoạch lúa tại cánh đồng Trà Co (Phước Tiến).
Ông Mẫu Thái Phương, Bí thư Huyện ủy Bác Ái cho biết: Phát huy nội lực và tinh thần đoàn kết, tranh thủ các nguồn lực xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua huyện Bác Ái đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu Nghị quyết đều đạt, vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm mạnh; nền kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng khá; sản xuất ngày càng phát triển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng, nhân dân từng bước áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả; ngành công nghiệp-xây dựng tăng trưởng cao, thu ngân sách trên địa bàn hàng năm gia tăng. Các công trình đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tập trung phục vụ cho sản xuất và đời sống dân sinh.
Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được nhiều tiến bộ, giáo dục, y tế được chú trọng đầu tư phát triển; chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; đa dạng hóa các hoạt động văn hóa gắn với bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động được chú trọng và trở thành điểm sáng tích cực trong nhiệm kỳ qua. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đẩy đủ, kịp thời; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; nhân dân đồng tình, ủng hộ và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Trong thời gian tới với mục tiêu, tranh thủ tối đa cơ hội và điều kiện thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, huyện Bác Ái chủ trương tích cực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng huyện Bác Ái thành không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Raglai.
Trong đó, xác định một số chỉ tiêu phát triển về tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 12% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 4%, có 95% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%... Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, huyện Bác Ái tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của các cấp ủy đảng, tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIV đề ra; tạo bước phát triển mới, sớm đưa Bác Ái thoát nghèo bền vững. Trong đó, huyện chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ đột phá như: Tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng cánh đồng lớn gắn với liên kết “4 nhà”. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, trọng tâm là đổi mới tư duy, phát huy ý chí tự chủ, tự lực vươn lên của nhân dân. Ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; thu hút, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; phát triển du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng bền vững, giải quyết việc làm tại chỗ, từng bước nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.
Anh Tuấn