Khó khăn lớn nhất hiện nay đó là phần lớn lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh xuống thấp so với dung tích thiết kế, nhiều hồ ở mực nước chết, khiến lượng nước thô để cấp cho các hệ thống cấp nước (HTCN) có khả năng bị thiếu hụt. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, đơn vị đang quản lý 40 hệ thống cấp nước tập trung, ngoài 32 công trình cơ bản đảm bảo đủ nước, thì có 8 công trình đang thiếu nước cục bộ, nếu không có mưa trong thời gian tới, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt ở các địa phương là khó tránh khỏi. Theo ông Trần Ngọc Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các ban, ngành và địa phương triển khai nhiều biện pháp cấp bách trong tình thế hiện nay; trong đó, tập trung rà soát, thường xuyên theo dõi và quản lý chặt chẽ lượng nước hiện có tại các hồ; đồng thời, tiến hành kết nối liên thông dòng chảy giữa các sông, suối; bố trì phù hợp hệ thống máy bơm, nhằm đáp ứng kịp thời nước cho các HTCN, không để người dân thiếu nước sinh hoạt trong đợt hạn.
Hệ thống cấp nước sinh hoạt Mỹ tường, xã Nhơn Hải (Ninh Hải) duy trì cấp nước ổn định cho người dân trong mùa khô hạn.
Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, công tác ứng phó với hạn, đặc biệt kế hoạch ổn định nguồn nước sinh hoạt cho người dân đang được tính toán hợp lý. Ở huyện Ninh Hải, mực nước tại hồ Thành Sơn hiện còn 970 ngàn m3, hồ Nước Ngọt 190 ngàn m3, riêng hồ Ông Kinh đã hết nước từ nhiều tháng nay, làm cho 1.212 hộ/4.297 nhân khẩu tại xã Vĩnh Hải và một phần khu vực xã Thanh Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải) có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt. Đồng chí Võ Thể, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước áp lực về nguồn nước, huyện không tổ chức sản xuất lúa trong vụ hè-thu năm 2020, chỉ ưu tiên nước cho nhu cầu sinh hoạt và chăn nuôi gia súc, địa phương cũng đã đề xuất với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tiến hành nạo vét, sử dụng hệ thống bơm chìm, lấy nước từ lòng hồ cấp cho các HTCN trong trường hợp nước tại các hồ chứa trên địa bàn xuống mực nước chết; nếu tình hình hạn chưa được cải thiện trong thời gian tới, huyện sẽ bố trí kinh phí chở nước phục vụ người dân. Đối với huyện Thuận Bắc, những vùng được xác định thiếu nước sinh hoạt khi nắng hạn kéo dài đã được huyện xây dựng phương án cấp nước ổn định, một số thôn thiếu nước nghiêm trọng như Suối Le (Phước Kháng) được Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước cùng với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh lắp đặt hoàn thành đường ống dài 10 km, lấy nước từ HTCN Phước Trung (Bác Ái), cấp cho 99 hộ dân trong thôn. Còn lại các thôn Bình Tiên (Công Hải), Xóm Bằng (Bắc Sơn), Tập Lá (Phước Chiến), địa phương chỉ đạo các xã khẩn trương rà soát, tổ chức quản lý và bảo vệ các giếng chống hạn, tìm kiếm nguồn nước ngầm, khuyến cáo người dân đào giếng mới; đồng thời, giao lực lượng quân sự, công an vận chuyển nước sinh hoạt phục vụ người dân…
Hiện nay, để đảm bảo nguồn nước sử dụng ổn định trước mắt và lâu dài, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi diễn biến nắng hạn, chủ động phối hợp với Công ty Cổ phần Thủy điện Đa Nhim-Hàm Thuận-Đa Mi thống nhất kế hoạch điều tiết lưu lượng nước cho vùng hạ du trên địa bàn tỉnh; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ nạo vét hệ thống kênh Bắc, kênh Nam, nhằm sớm đưa nước về phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân. Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước cùng với các đơn vị cấp nước tập trung nguồn nhân lực thi công hoàn thành các dự án HTCN sinh hoạt có quyết định đầu tư trước đó, nâng cấp một số hạng mục đấu nối đường ống chống hạn. Ngoài ra, phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo, vận động người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong mùa khô hạn.
Hồng Lâm