Đề tài bắt đầu áp dụng triển khai thí điểm tại tỉnh ta từ năm 2017 với các loại cây trồng như: Nho, táo, đậu phộng, bắp, lúa tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn và An Hải (Ninh Phước). Với phương pháp sử dụng hoàn toàn phân hữu cơ, không sử dụng phân hóa học, thuốc diệt cỏ trong quá trình canh tác nông nghiệp. Người trồng trọt còn tiến hành che phủ một lớp rơm trên mặt đất và trồng xen canh các cây họ đậu để giảm lượng nước bị bốc hơi do ánh nắng mặt trời, với cách làm này giúp cho đất không bị chai, bị thoái hóa mà còn tơi xốp, ẩm.
Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) trồng nho đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ
Anh Phạm Văn Việt, xã Phước Thuận một trong những hộ ứng dụng Đề tài cho biết: Tôi gắn bó với cây nho hơn 20 năm, năm nào cũng vậy khi đến mùa hạn các hộ trồng nho đều rất lo lắng vì nước tưới, nhưng mùa này khi ứng dụng Đề tài thì hiệu quả thấy rất rõ. Nếu như trước đây, mỗi tuần tôi phải tưới nước một lần thì nay khoảng 10 ngày mới tưới, nên giảm đáng kể thời gian và chi phí cho việc tưới nước. Nhờ ứng dụng Đề tài vào sản xuất mà gần 3 sào nho của tôi cho sản lượng ước đạt hơn 6,5 tấn/vụ, lợi nhuận 130 triệu đồng/vụ.
Thôn Nam Cương, xã An Hải (Ninh Phước), với đặc thù là đất cát nên việc thẩm thấu diễn ra nhanh và cũng dễ bị bốc hơi do đất có độ nở cao nên khi áp dụng Đề tài đã giúp người dân nơi đây rất nhiều trong canh tác nông nghiệp. Theo người dân, những năm trước đây khi đến mùa hạn hầu hết diện tích nông nghiệp nơi đây đều bị bỏ hoang do thiếu nước tưới. Gần đây, nhờ triển khai chuyển đổi các loại cây có khả năng thích ứng với hạn hán như bắp lai, đậu xanh và kết hợp với ứng dụng Đề tài đã giúp đời sống của người dân nơi đây khấm khá hơn. Ông Nguyễn Trí Nhân, cho biết: Từ khi ứng dụng Đề tài đến nay, 3 sào đất của gia đình luôn canh tác liên tục. Hiện nay, tôi đang canh tác 3 sào đậu phộng bằng phương pháp bón phân hữu cơ kết hợp với che phủ đất giữ ẩm cho cây trồng, không chỉ giảm lượng nước tưới mà đất luôn giữ được tươi xốp, năng suất đậu phộng có vụ đạt khoảng 50 tạ/ha, cao hơn 40% so với các hộ khác không ứng dụng Đề tài.
Ông Nguyễn Trí Nhân, thôn Nam Cương, xã An Hải, huyện Ninh Phước trồng 3 sào đậu phộng ứng phó với khô hạn. Ảnh: T.Thịnh
Thạc sỹ Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật - Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cho biết: Sau thời gian phối hợp nghiên cứu và ứng dụng thực nghiệm, Đề tài đã cho kết quả khả quan hơn mong đợi. Ninh Thuận là vùng khô hạn nên vấn đề nước tưới là vô cùng quan trọng. Ngoài việc giữ ẩm cho đất, hạn chế nước bốc hơi thì việc trồng xen canh với các cây họ đậu sẽ giúp người dân tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để chăn nuôi hoặc dùng để cung cấp nguồn hữu cơ cũng như sinh vật có lợi cho đất, hạn chế được cỏ dại cũng như giảm lượng nước tưới cho cây trồng.
Ứng dụng Đề tài vào sản xuất nông nghiệp ngoài việc giúp nông dân sản xuất được các sản phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà còn giảm được đáng kể lượng nước tưới do đất luôn được giữ ẩm, hạn chế các chi phí phát sinh, diện tích canh tác diễn ra liên tục, góp phần đảm bảo đời sống người nông dân trong mùa nắng hạn. Thời gian tới, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố tiếp tục triển khai ứng dụng Đề tài trên toàn tỉnh với nhiều loại đối tượng cây trồng.
Thanh Thịnh