Thông tin từ lãnh đạo Tp. Phan Rang Tháp Chàm cho biết, các hộ ở phường Văn Hải trồng nha đam thu lãi hơn 1 tỷ đồng/ha/năm đã củng cố thêm niềm tin phát triển các loại cây đặc thù là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tiếp theo đó, măng tây xanh cũng là đối tượng cây trồng mới được đưa vào sản xuất ở tỉnh ta nhanh chóng khẳng định vị thế vượt trội. Ví măng tây xanh là cây “tiền tỷ”, cây “làm giàu” ở vùng đất nắng là không sai, bởi giá trị kinh tế ít có loại cây nào sánh kịp. Khi những loại cây kể trên lên ngôi, đã góp phần vào nâng tầm thương hiệu các mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh trên thị trường. Phát biểu tại Hội nghị triển khai sản xuất vụ hè - thu năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức vào cuối tháng 3 vừa qua, đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, với giá trị kinh tế cao, đầu ra rộng (nông dân sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đó) thì việc mở rộng quy mô diện tích cây nha đam, măng tây xanh, sản xuất theo chuỗi giá trị có sự liên kết với doanh nghiệp là cần làm.
Cây măng tây xanh khẳng định được vị thế trên vùng đất nắng.
Những đề xuất, hiến kế của ngành chức năng về giải pháp phát triển sản xuất bền vững được lãnh đạo UBND tỉnh tiếp thu, ghi nhận. Trước đây, cây nha đam tập trung chủ yếu ở phường Văn Hải với diện tích 86 ha, kể từ khi Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt ký hợp đồng với nông dân sản xuất thì diện tích tăng dần theo từng năm. Hiện nay đạt khoảng 330 ha, phát triển rộng khắp trên địa bàn các xã: Phước Trung (Bác Ái), Nhị Hà, Phước Hà (Thuận Nam), Mỹ Sơn, Quảng Sơn (Ninh Sơn). Huyện Ninh Phước xuất hiện những tỷ phú măng tây xanh như anh Hùng Ky ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải đã làm rạng danh nông dân Ninh Thuận.
Nông nghiệp trên vùng đất nắng đang viết tiếp những kỳ tích. Cũng từ thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mà đồng bào xã vùng cao Phước Bình (Bác Ái) trong những năm gần đây đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào trồng bưởi da xanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ một vài hộ trồng thử nghiệm cho kết quả tốt, đến nay cây bưởi da xanh được trồng với diện tích trên 130 ha. Mỗi ha bưởi cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/vụ, giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Theo những người làm chuyên môn, cái được lớn nhất khi đưa cây bưởi da xanh lên trồng ở vùng cao là đã làm thay đổi hình thức sản xuất từ “tự cung, tự cấp” sang sản xuất hàng hóa.
Nông dân xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) phát triển giống nho mới NH01-152 cho chất lượng sản phẩm vượt trội, giá trị kinh tế cao. Ảnh: V.M
Dù còn nhiều việc phải làm để khắc phục tình trạng chuyển đổi cây trồng ở một số nơi, một số vùng chưa thực sự bền vững, nhưng phải thừa nhận sản xuất nông nghiệp hiện nay có bước phát triển vượt bậc so với ngày đầu tái lập tỉnh (năm 1992). Sự linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã biến khó khăn thành lợi thế, ngành Nông nghiệp bứt phá đi lên bằng những loại cây trồng đặc thù. Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Nha đam, măng tây xanh, bưởi da xanh là những loại cây trồng có hiệu quả về kinh tế. Hiện nay, cùng với nho, táo, tỉnh đã đưa ba loại cây này vào danh mục 12 sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Sở đang phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tiến hành rà soát xây dựng quy hoạch vùng sản xuất cây đặc thù ứng dụng công nghệ cao. Dự kiến đến năm 2030, nâng diện tích cây nha đam lên 550 ha, măng tây xanh và bưởi da xanh lên hàng ngàn ha. Để đạt được mục triêu đề ra, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn nhằm khuyến khích bà con mở rộng diện tích sản xuất, vươn lên làm giàu trên chính vùng đất khô hạn.
Với hoạch định chiến lược phát triển đúng hướng, tin tưởng ngành Nông nghiệp sẽ có đột phá về nâng cao giá trị đơn vị sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
Anh Tùng