Phước Thái là địa phương được hưởng lợi nguồn nước từ đập Nha Trinh qua hệ thống kênh Nam, kênh Chàm, nhưng vào mùa nắng hạn nước không đủ tưới cho một số vùng sản xuất nông nghiệp. Do đó, để chuyển đổi cây trồng thích ứng với hạn được xem là ưu tiên hàng đầu trong công tác điều hành sản xuất của địa phương. Theo đó, thời gian qua, xã tập trung thực hiện rà soát, thống kê các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả chuyển sang cây trồng cạn và cây ăn trái có giá trị cao.
Mô hình trồng bưởi da xanh của gia đình ông Lê Văn Khách, thôn Đá Trắng, xã Phước Thái (Ninh Phước) bước đầu mang lại hiệu quả.
Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương và nỗ lực của người dân, nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi trước đây đã trở thành những cánh đồng sản xuất ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả, giúp người dân ổn định cuộc sống. Trước đây, hơn 1,3 ha đất trồng lúa của gia đình ông Lê Văn Khách, thôn Đá Trắng mỗi năm chỉ sản xuất 1-2 vụ lúa, vào mùa nắng hạn thường bỏ hoang. Năm 2017, khi được xã vận động chuyển đất trồng lúa sang cây trồng cạn, ông đã mạnh dạn đầu tư trồng hơn 100 gốc bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP trên diện tích 8 sào. Ông Lê Văn Khách, cho biết: Lúc mới đưa cây bưởi da xanh về trồng nhiều người cho rằng vùng đất này không phù hợp, cây bưởi khó phát triển. Với suy nghĩ, nếu chịu khó thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua, tôi bắt đầu thuê máy cày chở đất ở nơi khác về cải tạo, nên cây bưởi phát triển tốt. Sau gần 3 năm trồng và chăm sóc cây bưởi đã khẳng định được vị thế của mình ở vùng đất Đá Trắng, đã ra trái vụ đầu tiên. Sau khi trồng thử nghiệm thành công cây bưởi da xanh, ông Khách tiếp tục mở rộng thêm diện tích 3 sào và đầu tư 10 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Nhận thấy cây bưởi hoàn toàn phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, các hộ dân xung quanh đã đến tham quan mô hình và học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi da xanh. Ông Vạn Ken, hộ dân trồng bưởi cho biết: Khi thấy ông Khách trồng bưởi có hiệu quả, tôi học hỏi kỹ thuật và đầu tư trồng bưởi với diện tích 2 sào. Hiện nay, toàn bộ diện tích bưởi của gia đình đang phát triển tốt, hứa hẹn cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa.
Đồng chí Đàng Năng Tom, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phước Thái, cho biết: Từ thành công bước đầu mô hình trồng bưởi da xanh của hộ ông Lê Văn Khách, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP tại thôn Đá Trắng, với diện tích 4,3 ha. Để mô hình hiệu quả, Trung tâm Khuyến Nông tỉnh hỗ trợ nông dân 70% chi phí đấu tư (giống, phân, thuốc). Ngoài ra, xã còn phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc bưởi da xanh cho các hộ dân. Hiện nay, mô hình trồng bưởi đang phát triển tốt.
Để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả, thời gian tới, xã Phước Thái tiếp tục vận động người dân chuyển đổi khoảng 15 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn, trồng bưởi da xanh, mãng cầu…nhằm tăng thu nhập cho người dân. Cùng với đó, xã lồng ghép các nguồn vốn đầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp, xây dựng các mô hình xen canh cây trồng hiệu quả kinh tế.
Tiến Mạnh