Thôn La Chữ, xã Phước Hữu là một trong những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng của nắng hạn, nhiều diện tích đất sản xuất dân gặp khó khăn do không chủ động được nguồn nước. Để khắc phục tình trạng, nhiều nông dân đã chủ động khoang giếng lấy nước ngầm, đào ao giữa dòng sông Lu để tích nước, đồng thời sử dụng hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước tưới cho cây trồng. Nhờ vậy, nhiều diện tích cây trồng vẫn xanh tốt, năng suất ổn định. Ông Phú Hộ, người trong thôn chia sẻ: Nhà tôi có 7 sào đất trồng hoa màu, trước đây sử dụng nguồn nước sông Lu nên vào mùa nắng hạn thường bỏ hoang, để đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, gia đình đã đầu tư thuê máy múc đào ao tích nước bơm lên tưới cho cây trồng. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư thêm hệ thống tưới phun mưa, vừa tiết kiệm được nước tưới. Nhờ đó, toàn bộ diện tích trồng hoa màu của gia đình phát triển xanh tốt.
Ông Phú Hộ, thôn La Chữ, xã Phước Hữu (Ninh Phước) đào ao giữa dòng sông Lu lấy nước phục vụ tưới cho cây trồng.
Tại xã Phước Vinh, gần 1 tháng nay lượng nước từ hồ Lanh Ra đổ các kênh mương rất yếu do mực nước tại hồ xuống thấp. Những vùng gò cao, nhiều cây trồng đang rất cần nước nhưng dòng chảy không thể tới. Để khắc phục tình trạng này, UBND xã Phước Vinh đã huy động người dân tham gia nạo vét, khơi thông dòng chảy các tuyến kênh mương nội đồng đưa nước về chống hạn cho cây trồng. Đến nay, đã có hàng trăm hộ dân tích cực tham gia nạo vét gần 3 km kênh mương, kịp thời dẫn nước cứu hạn cho diện tích bắp, hoa màu và cây trồng lâu năm. Ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, cho biết: Nhận định tình hình nắng hạn có thể kéo dài, nên ngoài việc triển khai các biện pháp ứng phó với hạn, xã cũng đã huy động người dân nạo vét các tuyến kênh mương để dẫn nước, nạo vét trên 20 cái giếng đã đào các năm trước để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Đồng thời, tổ chức bơm tích nước vào các ao tại các thôn để lấy nước cho gia súc uống. Ngoài ra, khuyến cáo bà con chủ động áp dụng mô hình cây trồng cạn. Nhờ đó, đã kịp thời dẫn nước về cứu hạn cho nhiều diện tích bắp, hoa màu và giải quyết được tình trạng thiếu nước sản xuất.
Đồng chí Huỳnh Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, cho biết: Vụ hè-thu 2020, căn cứ vào tình hình nước tại các hồ trên địa bàn, huyện dự kiến sản xuất theo 3 phương án. Theo đó, phương án 1 đến hết tháng 4-2020, thời tiết không có mưa, mưa ít hồ Đơn Dương đạt dung tích khoảng 70 triệu m3 nước sẽ tạm ngưng sản xuất đối với khu vực thuộc hệ thống tưới Kênh Nam, Kênh Chàm và Kênh Nam 2, khi đó diện tích xuống giống chỉ khoảng 4.060 ha. Trong đó, cây lúa 555 ha, bắp 700 ha, rau đậu, các loại 1.158 ha, cỏ chăn nuôi 446 ha, cây nho, táo 1.102 ha. Phương án 2 đến hết tháng 4-2020, hồ Đơn Dương đạt dung tích khoảng 90 triệu m3 nước, dự kiến xuống giống 5.211 ha. Trong đó, cây lúa 1.540 ha, bắp 700 ha, rau đậu các loại 1.324 ha, cỏ chăn nôi 447 ha, cây nho, táo 1.194 ha. Phương án 3 đến hết tháng 4-2020, trên địa bàn tỉnh có mưa diện rộng, các hồ trên địa bàn huyện đạt 65% dung tích, hồ Đơn Dương đạt trên 120 triệu m3 nước, dự kiến xuống giống 9.552 ha. Trong đó, cây lúa 8.358 ha, bắp 875 ha, rau đậu, các lại 1.655 ha, cỏ chăn nuôi 447 ha, cây nho, táo 1.194 ha. Ngoài ra, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng với diện tích 44 ha đất lúa, đất màu sang cây trồng cạn để tiết kiệm nước tưới. Trong đó, chuyển sang trồng bắp, đậu xanh, cỏ chăn nuôi, rau các loại 20 ha; cây nho, táo và cây ăn quả 24 ha.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại trước tình trạng nắng hạn kéo dài, huyện đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với hạn cụ thể cho từng xã, thị trấn. Theo đó, đối với trồng trọt, căn cứ vào tình hình nước tại các hồ trên địa bàn, tổ chức sản xuất hợp lý, hạn chế mở rộng diện tích trồng lúa. Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo hướng ít sử dụng nước, điều tiết hợp lý, tiết kiệm; hướng dẫn nông dân thực hiện đúng kế hoạch và tinh thần chỉ đạo của ngành Nông nghiệp. Đối với gia sức, huyện đã triển khai thông báo và phương án tổ chức di chuyển đàn gia súc đến những khu vực đảm bảo nguồn nước và thức ăn; vận động các hộ chăn nuôi chủ động dự trữ nước trong hồ chứa, trồng thêm cỏ, tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp như rơm, rạ...làm thức ăn cho gia súc. Chỉ đạo Trạm Thủy nông huyện phối hợp với các xã, thị trấn có kế hoạch điều tiết nước luân phiên cho từng vùng, từng xứ đồng một cách hợp lý và tiết kiệm; phối hợp các cấp, ngành xây dựng phương án tổ chức nạo vét kênh mương dẫn nước đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ sản xuất.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và tinh thần chủ động của người dân, tin rằng công tác ứng phó với hạn trên địa bàn huyện Ninh Phước sẽ giúp người dân vượt qua nắng hạn, giảm bớt khó khăn trong sản xuất và đời sống.
Tiến Mạnh