Ông Tô Văn Quảng, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh cho biết: Những năm qua, Hội CTĐ các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương với các hoạt động thiết thực và sôi nổi. Các cấp Hội đã vận động hội viên, quần chúng nhân dân, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm giúp đỡ cho các gia đình và đối tượng chính sách, người nghèo trên địa bàn vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ khẩu trang vải kháng khuẩn, dung dịch rửa tay, găng tay y tế, trang phục
phòng, chống dịch cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch Covid 19 tại thôn Văn Lâm 3, xã Phước Nam (Thuận Nam).
Thực hiện lời Bác Hồ dạy “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Với phương châm “Chữ thập đỏ, vì mọi người - ở mọi nơi”, từ năm 2000 đến nay, Hội đã tích cực triển khai nhiều phong trào, cuộc vận động lớn thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và nhân dân tham gia, kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các cơ quan, tổ chức cùng tham gia hưởng ứng, tạo sự lan tỏa lớn trong xã hội. Hoạt động Hội ngày càng phong phú, nhất là trên các lĩnh vực ưu tiên như: Cứu trợ khẩn cấp và trợ giúp nhân đạo; chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng; hiến máu nhân đạo và sơ cấp cứu ban đầu; tuyên truyền các giá trị nhân đạo; tham gia phòng ngừa ứng phó thảm họa thiên tai…. Nhiều chương trình, phong trào, cuộc vận động của Hội ngày càng lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào phong trào.
Điển hình như Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” sau thời gian triển khai đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Sau 10 năm thực hiện, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ cho trên 306.220 lượt đối tượng với tổng giá trị gần 78,4 tỷ đồng; cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động được triển khai ngày càng sâu rộng và hiệu quả. Hội CTĐ các cấp trong tỉnh thường xuyên quản lý 1.522 địa chỉ nhân đạo. Cuộc vận động này những năm qua đã trở thành điểm tựa tinh thần và vật chất cho người nghèo, các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, miền núi, người dễ bị tổn thương trong xã hội, giúp họ cải thiện đời sống. Qua 10 năm, đã có trên 376.000 đối tượng được giúp đỡ với giá trị trên 93 tỷ đồng; hay Dự án “Ngân hàng bò- Chung sức cùng đồng bào các huyện nghèo, xã biên giới xây dựng nông thôn mới” được triển khai với nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau. Tổng số bò cái giống ban đầu được hỗ trợ là 130 con, đến nay, tổng đàn bò của Dự án là 270, đã có hàng nghìn hộ gia đình được hưởng lợi từ chương trình.
Phong trào hiến máu tình nguyện đang ngày càng thu hút đông đảo người dân tích cực tham gia. Ảnh: Nguyên Vũ
Đặc biệt, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) được triển khai từ năm 2000, đến nay hoạt động đã phát triển rộng khắp trên địa bàn và trở thành phong trào chung của toàn xã hội. Với nhiều chiến dịch được phát động, phong trào HMTN đã thu hút đông đảo các bạn trẻ tham gia như: Lễ hội Xuân hồng, Những giọt máu hồng hè, ngày Toàn dân hiến máu 7-4, Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu 14-6…. Một trong những thành công trong hoạt động tuyên truyền đó là đối tượng hiến máu được mở rộng, nếu như trước đây lực lượng hiến máu chủ yếu là các đoàn viên, thanh niên, sinh viên thì nay đối tượng hiến máu phong phú hơn, bao gồm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tự do, tiểu thương. Nếu như năm 2000, Ban vận động HMTN các cấp vận động tiếp nhận được 532 đơn vị máu, thì đến năm 2019, các cấp Hội đã vận động và tiếp nhận 6.167 đơn vị máu; phục vụ cơ bản cho nhu cầu cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại bệnh viện.
Sự hình thành và phát triển của Hội CTĐ tỉnh trong những năm qua là biểu hiện sinh động của sự kết nối truyền thống nhân ái của dân tộc với lịch sử phát triển và truyền thống của một tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, gắn bó với lợi ích dân tộc. Các thế hệ cán bộ, hội viên, thanh niên, thiếu niên, tình nguyện viên CTĐ toàn tỉnh đã cống hiến và hy sinh hết mình vì những mảnh đời bất hạnh, những người dễ bị tổn thương trong xã hội; tinh thần đoàn kết, tương thân – tương ái, ý chí vượt khó, dám nghĩ dám làm, luôn đổi mới phương thức hoạt động, nắm chắc tính đặc thù của Hội, tham mưu có hiệu quả cho Đảng, chính quyền lãnh đạo công tác Hội và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về công tác nhân đạo. Tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể hướng về cơ sở, quan tâm đến những người khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh phát triển.
Trần Phương