Ông Thiết Ngữ - Cán bộ tiêu biểu của dân tộc Chăm

Ông Thiết Ngữ sinh năm 1935 (năm Ất Hợi), trong một gia đình nông dân nghèo, ở làng Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Thời còn trẻ, những người ở trong làng thường gọi ông là Ngụ (tên thời trẻ của ông). Ông thoát ly và tham gia cách mạng năm 1947, khi ông vừa tròn 12 tuổi. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc.

Năm 1965, trở lại chiến trường miền Nam, thời kỳ cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt nhất. Ông rất ít lời, không thích kể chuyện về bản thân nhưng qua lời kể của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp…, cuộc đời của ông như một huyền thoại…

Mùa hè năm 1947, trong khi cùng với những người bạn cùng lứa đang chăn trâu trong rừng, ông Thiết Ngữ đã gặp cán bộ Việt Minh. Sau những lần gặp mặt, trao đổi, tâm sự, ông Thiết Ngữ đã có cảm tình với cán bộ Việt Minh. Từ đó, ông đã đi theo cán bộ Việt Minh lên chiến khu, tham gia cách mạng, góp phần công sức nhỏ bé của mình cùng với toàn dân tộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược…

Năm 1954, ông Thiết Ngữ cùng với nhiều người hoạt động cách mạng ở miền Nam được tổ chức cho tập kết ra Bắc. Ông được tổ chức đưa vào học Trường học sinh Dân tộc miền Nam, sau đó, học tại Đại học sư phạm dành cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số. Sau khi tốt nghiệp Đại học, ông làm phóng viên Thông Tấn xã Việt nam tại chiến trường. Năm 1965, khi có phong trào tình nguyện vào chiến trường miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ ác liệt nhất… Ông tình nguyện về lại quê nhà để tham gia cùng với Nhân dân cả nước đứng lên chống kẻ thù xâm lược. Trong thời gian hoạt động bí mật ở quê nhà, ông đã cùng với đồng đội tuyên truyền, vận động người dân xây dựng cơ sở trong vùng đồng bào Chăm để ủng hộ cách mạng. Ngoài ra, ông còn tuyên truyền, vận động người Chăm lầm đường, lạc lối trở về với gia đình, với xóm làng, làm ăn lương thiện, vì vậy, ông luôn được đồng đội và người dân ở địa phương tin yêu, quý mến.

Từ khi ông thoát ly tham gia cách mạng năm 1947, gia đình và tộc họ của ông đi tìm và liên lạc khắp nơi nhưng vẫn chưa có tin tức gì về ông. Họ cho rằng, ông đã chết ở trong rừng… Gia đình và tộc họ đã làm “Đam râm” cho ông (một hình thức đám tang dành cho những người chết không tìm được thể xác) để “hồn ma” của ông không còn về quậy phá gia đình và dòng họ của ông nữa. Sau khi không có tin tức về ông, người mẹ đã suy sụp, bệnh và qua đời bên khung cửi dệt vải vì thương và nhớ con trai hiền lành, khắc khổ, nhưng dám làm những chuyện mà nhiều người lớn không thể tưởng tượng nổi - Tham gia Việt Minh.

Sau ngày 30-4-1975, khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước đã hoàn toàn thống nhất, độc lập, tự do; ông Thiết Ngữ trở lại quê nhà, được gặp lại những người thân yêu của mình. Lúc ấy, mọi người ai cũng mừng và họ đã khóc vì sung sướng… Ông Thiết Ngữ được Đảng và Nhà nước phân công đảm trách nhiều vị trí quan trọng: Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thuận Hải, Phó Ban Dân tộc tỉnh Thuận Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Ninh Phước, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy tỉnh Ninh Thuận đến khi về hưu năm 1996. Trong quá trình công tác, dù ở cương vị nào, tình huống nào, cuộc sống gia đình dù khó khăn, vất vả đến đâu, ông Thiết Ngữ vẫn là một đảng viên, cán bộ gương mẫu, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng, sống chuẩn mực, liêm khiết, giản dị và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Thiết Ngữ được Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất.

Về nghỉ hưu ở địa phương, tuy gia đình của ông gặp rất nhiều khó khăn nhưng ông đã tích cực tham gia công tác ở địa phương, đóng góp công sức còn lại của mình vào phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh trật tự, giữ tình đoàn kết trong bà con, dòng họ, làng xóm.

Hiện nay, tuổi đã cao (85 tuổi), sức yếu, và mắc nhiều bệnh nhưng ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ông vẫn viết nhật ký và làm thơ. Những dòng nhật ký, bài thơ đều chứa đựng tình cảm dạt dào đối với gia đình, quê hương, đất nước, với Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại, thiên tài của dân tộc mà ông rất tôn kính. Mỗi bài thơ là những dòng tâm sự về quãng đời đầy khó khăn, gian khổ nhưng nhờ ý chí, nghị lực và niềm tin vào lý tưởng cách mạng, vào tương lai tươi sáng, đã giúp ông vượt qua tất cả.

Ông Thiết Ngữ là một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng để cho các thế hệ con em người Chăm noi theo.