Tp.Phan Rang- Tháp Chàm là một trong địa phương sớm triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân. Có mặt tại phường Thanh Sơn, chúng tôi ghi nhận niềm phấn khởi trên khuôn mặt của bà con nơi đây. Chị Nguyễn Thị Xuyến, ở khu phố 3, chia sẻ: Khi có thông tin, Chính phủ sẽ hỗ trợ tiền cho các gia đình khó khăn ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 chúng tôi mừng lắm. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng tôi làm nghề thu gom rác, ngoài ra còn tranh thủ làm thuê nuôi 4 con nhỏ ăn học. Dịch bệnh xảy ra khiến kinh tế gia đình khó khăn lại chồng chất khó khăn. Có số tiền hỗ trợ phần nào giúp gia đình chúng tôi ổn định cuộc sống. Người dân chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước nhiều lắm.
Phường Thanh Sơn tổ chức chi tiền hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn.
Đối với bà Ngô Thị Mừng, ở khu phố 3, phường Đạo Long, việc hỗ trợ không chỉ giúp bà ổn định cuộc sống mà còn là nguồn động viên vợ chồng bà trong lúc khó khăn. Bà Mừng chia sẻ: Nhận tiền hỗ trợ, trước mắt không phải chạy gạo từng ngày nữa, giúp tôi có thời gian chăm sóc chồng bị bệnh. Vợ chồng tôi vui mừng lắm.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 136.384 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo Quyết định số 15/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ; tổng kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định là trên 128 tỷ đồng. Trong đó, có 120.273 người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, với tổng mức hỗ trợ trên 106 tỷ đồng. Theo lãnh đạo các địa phương, với tiến độ thực hiện chi trả tích cực, việc chi trả cho các đối tượng có thể hoàn tất trước thời hạn mà tỉnh chỉ đạo.
Cán bộ xã Phước Diêm (Thuận Nam) chi tiền hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và có công với cách mạng bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Ảnh: Văn Nỷ
Để có được kết quả này, phải kể đến tinh thần trách nhiệm, phối hợp tích cực của các cấp, các ngành từ khâu rà soát cho đến tổ chức chi hỗ trợ cho bà con. Điển hình như huyện Ninh Hải, ngày sau khi có Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân khó khăn do đại dịch COVID-19, Ninh Hải đã nhanh chóng cho rà soát các đối tượng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đồng thời thành lập tổ công tác chỉ đạo, giám sát xuyên suốt trong quá trình thực hiện với các thành viên là lãnh đạo các phòng, ban của UBND, tổ chức mặt trận tham gia; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện hiệu quả. Đến ngày 28-4, địa phương đã chốt danh sách chính thức số lượng người được thụ hưởng thuộc 4 nhóm đối tượng ưu tiên và đã gửi toàn bộ danh sách để Huyện ủy xác nhận gửi về Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Qua quá trình rà soát đối tượng, địa phương đã phát hiện kịp thời 30 đối tượng người có công cách mạng và 55 trường hợp bảo trợ xã hội bị trùng hai mức hỗ trợ; ngoài ra phát sinh 3 khẩu nghèo, 8 khẩu cận nghèo lý do sinh thêm; giảm 15 khẩu nghèo và 23 khẩu cận nghèo lý do chết và chuyển ra địa phương khác. Theo thống kê, huyện Ninh Hải có 253 người có công với cách mạng, 3.168 đối tượng bảo trợ xã hội và 5.865 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng chính sách theo Quyết định số 15/QĐ-CP. Ngay sau cuộc họp chỉ đạo của UBND tỉnh (vào sáng 29-4), địa phương đã tổ chức phát tiền hỗ trợ cho người dân, bảo đảm tiến độ trên tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Không chỉ thực hiện tốt công tác rà soát, nắm vững đối tượng, việc triển khai các giải pháp để chi tiền hỗ trợ đến tay người thụ hưởng cũng được các địa phương thực hiện có trách nhiệm, linh hoạt, chủ động phù hợp với tình hình thực tiễn. Đối tượng trợ cấp xã hội được chi trả chính sách qua cơ quan Bưu điện thì tiếp tục giao cho cơ quan Bưu điện thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ. Các đối tượng còn lại được địa phương tổ chức trao tiền hỗ trợ đến tận tay. Mỗi địa phương có một cách làm khác nhau tùy vào tình hình thực tế. Đơn cử như đối với huyện Bác Ái, các xã tổ chức trao tiền đến từng thôn, mỗi đợt không quá 20 người để vừa bảo đảm tính chính xác đối tượng, an ninh trật tự, vừa bảo đảm tính giản cách xã hội phòng dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cho biết: Ngoài tổ chức trao tiền hỗ trợ cho các đối tượng, các cấp chính quyền, ngành chức năng huy động mọi nguồn lực, phối hợp với tổ chức mặt trận theo dõi, giám sát chặt chẽ xuyên suốt quá trình thực hiện chi hỗ trợ. Ngoài ra, sau đợt hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng nêu trên, Sở phối hợp với các địa phương tiếp tục rà soát tất cả các nhóm đối tượng, để việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19 bảo đảm công khai, minh bach, đúng đối tượng, không bị trùng lắp, bỏ sót, tiền hỗ trợ đến trực tiếp tay người thụ hưởng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.
Uyên Thu