Xây dựng trung tâm năng lượng
Với chủ trương phát triển mạnh công nghiệp năng lượng, từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng của cả nước, tỉnh đã thu hút nhiều dự án đầu tư trên lĩnh vực năng lượng. Tiêu biểu nhất là các dự án điện mặt trời, với tốc độ phát triển nhanh, không ngừng nâng cao công suất phát điện. Đến nay, toàn tỉnh đã có 54 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương, tiến hành khảo sát, lập dự án, với tổng công suất trên 3.500 MW. Trong đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung Quy hoạch phát triển điện lực và UBND tỉnh đã cấp chứng nhận đầu tư cho 31 dự án, có tổng vốn đăng ký trên 50 ngàn tỷ đồng. Về dự án điện gió, toàn tỉnh đã có 12 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng công suất gần 750 MW, trong đó có 4 dự án đã hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành thương mại, tổng công suất 181 MW. Cùng với các dự án năng lượng tái tạo, các dự án thủy điện cũng đã góp phần làm phong phú thêm nguồn điện năng phục vụ cho phát triển. Hiện nay, các dự án thủy điện Tân Mỹ, Mỹ Sơn, Thượng Sông Ông, Đa Nhim mở rộng cũng đã được cấp chủ trương đầu tư và đã bổ sung quy hoạch phát triển điện lực với quy mô công suất 1.429,8 MW.
3 nhà máy điện mặt trời của Tập đoàn BIM (Thuận Nam) chính thức hòa lưới điện quốc gia. Ảnh: Hữu Phương
Thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ; trên cơ sở khảo sát, nghiên cứu các điều kiện tự nhiên có lợi thế và đặc thù tại khu vực Cà Ná (Thuận Nam); tỉnh đã thu hút, kêu gọi đầu tư các dự án điện-khí, hiện đã có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực quan tâm và đang tiến hành khảo sát nghiên cứu, lập thủ tục chuẩn bị đầu tư. Hiện nay tỉnh đã lập hồ sơ bổ sung Quy hoạch điện lực dự án Trung tâm Điện lực Cà Ná với quy mô công suất 6.000 MW, quy mô kho - cảng khí LNG từ 5-8 triệu tấn/năm và cảng nhập khí LNG đến 267.000 m3, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Để tiềm năng trở thành hiện thực, UBND tỉnh đã xây dựng và thực hiện đề án Phát triển Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo (NLTT) của cả nước. Trên cơ sở đó, hình thành nhiều cơ sở vật chất trọng tâm như: Trung tâm nghiên cứu- phát triển để chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao; cung cấp vật tư, phụ tùng, thiết bị cho các nhà máy NLTT; cung cấp dịch vụ kiểm định, thử nghiệm, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị để phát triển công nghiệp phụ trợ ngành NLTT…
Tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ
Từ hiệu quả trong thu hút đầu tư thực hiện các dự án công trình năng lượng đã giúp giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng của tỉnh tăng trưởng mạnh theo từng năm, kéo theo các chỉ số tăng trưởng về thu ngân sách. Riêng trong năm 2019, các chỉ tiêu của nhiều lĩnh vực đều tăng; đây cũng là năm thứ 2 tỉnh thực hiện đạt và vượt 15/15 chỉ tiêu kế hoạch năm. Tiếp đà tăng trưởng, trong quý I năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh COVID-19 và hạn hán diễn ra khá phức tạp, nhưng ngành công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao; khâu đột phá về năng lượng đạt kết quả tích cực, điện sản xuất tăng 106,3%, các dự án điện gió, điện mặt trời được đẩy nhanh tiến độ. Đáng kể như dự án điện gió Trung Nam, giai đoạn 2 (công suất 64MW) và 3 dự án điện mặt trời gồm Thiên Tân, Xuân Thiện 1, Xuân Thiện 2 (tổng công suất 304 MW) đã hoàn thành đưa vào nối lưới, nâng tổng số dự án NLTT trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động đạt 25 dự án với tổng công suất trên 1.520MW.
Trung Nam Group đầu tư điện gió và điện mặt trời tại xã Bắc Phong (Thuận Bắc) góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Ảnh: Văn Nỷ
Cùng với đó, Thủy điện tích năng Bác Ái được khởi công, dự án điện khí LNG Cà Ná được bổ sung vào quy hoạch điện VII; dự án điện mặt trời 450MW Phước Minh, kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500kV do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư và các dự án hạ tầng truyền tải khác đang được đẩy nhanh tiến độ đảm bảo giải tỏa công suất 2.000MW. Nguồn NLTT đã góp phần tăng sản lượng điện sản xuất, dự ước cuối năm 2020 sản lượng điện sản xuất đạt 3.500 triệu KWh tăng hơn 4 lần so với năm 2015.
Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Các dự án NLTT khi đi vào hoạt động hết công suất sẽ góp phần đáng kể đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung và của tỉnh nói riêng; tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như thu hút nguồn vốn FDI, cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh; góp phần tạo tăng trưởng ngành Công nghiệp năm 2020 và nhiệm kỳ sau đạt mục tiêu đề ra 19-20%.
Có thể khẳng định, hướng phát triển công nghiệp năng lượng đối với Ninh Thuận đang thực sự tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ, đầy triển vọng. Phát huy truyền thống đoàn kết, Ninh Thuận đang có những bước đi vững chắc vào tương lai phát triển phía trước.
Mai Phương