Chuyện sau ngày gỡ lệnh phong tỏa ở Văn Lâm 3

Không còn chốt chặn kiểm soát cách ly, người dân tự do ra vào thôn, cửa hàng tạp hóa mở cửa buôn bán, trẻ em được thỏa sức vui chơi, người lao động trở lại đơn vị, cơ quan … là những hình ảnh đang tái diễn ở thôn Văn Lâm 3, sau 28 ngày phong tỏa cách ly y tế vì dịch COVID-19.

Bình dị ngày “mở cửa”

Ở mọi ngóc ngách của thôn, người dân đang dần bắt nhịp với cuộc sống sau ngày gỡ cách ly. Được trở về với cuộc sống bình dị hàng ngày ai cũng tỏ ra vui vẻ, phấn khởi… Thế nhưng, họ vẫn giữ nguyên những thói quen trong mùa dịch: Chỉ ra đường khi cần thiết, luôn đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách với mọi người xung quanh, thói quen giữ sạch đường làng, ngõ xóm được duy trì…Con đường bê tông dẫn vào nhà bà Châu Thị Ngọc Trân (60 tuổi) thênh thang, sạch sẽ. Khệ nệ bưng bê lau rửa, rồi sắp xếp lại một số vật dụng cá nhân trong nhà chuẩn bị Tết Ramưvan, bà cho biết, dù hết lệnh phong tỏa, gia đình vẫn giữ nếp sống những ngày cách ly. Tết này, gia đình sẽ không đi tảo mộ, không thực hiện tháng Tịnh chay, không thiết đãi thân tộc, bạn bè và mời khách dự tết, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Bà nói nhờ thế, bản thân được sống chậm lại, thảnh thơi hơn…

 Người dân thôn Văn Lâm 3 đi chợ mua sắm nhu yếu phẩm sau ngày gỡ bỏ cách ly y tế.

Chọn cho mình bộ đồ thật đẹp, dắt chiếc xe máy ra khỏi nhà, chị Châu Thùy Mai Ly, cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin, huyện Thuận Nam nở nụ cười thật tươi. Chị cho biết, chưa bao giờ mình phấn khởi như lúc này, sáng nay chị chính thức trở lại làm việc tại cơ quan. Từ khi sinh ra đến giờ, đây là lần đầu tiên chị trải qua những ngày khác lạ vì dịch COVID-19. Chị Ly xúc động, bộc bạch: “Bất giác tôi chợt thấy mình còn may mắn, dù bị hạn chế đi lại trong thôn và không được ra ngoài, nhưng ít ra tôi vẫn còn được nghỉ ngơi trong không gian quen thuộc, có thực phẩm để ăn, có thiết bị để làm việc…Trải qua sự căng thẳng lần này, tôi cảm thấy trân trọng cách Nhà nước quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh, hiểu sự cần thiết của thông tin đúng, đủ và kịp thời. Cảm ơn chính quyền, các anh công an, bộ phận y tế, dân phòng … Và thiết tha mong những ai đã trở về từ nước ngoài, từ vùng có dịch vui lòng ý thức khai báo y tế, chấp hành nghiêm túc các quy định cách ly và hướng dẫn để sớm vượt qua mùa dịch gian khó này”.

“Còn sức là còn phục vụ”

Thiếu tá Mai Xuân Tiến, cán bộ Đội Quản lý hành chính, Công an huyện Thuận Nam, được tăng cường xuống xã Phước Nam làm nhiệm vụ quản lý, theo dõi các chốt kiểm soát ra vào thôn Văn Lâm 3 những ngày phong tỏa. Gác lại hình ảnh “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, rồi đến những đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ... Kết thúc 28 ngày công tác, anh vui mừng khi trên địa bàn thôn không còn ca nhiễm COVID-19 và hạnh phúc khi 4 chốt đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. "Tôi luôn biết ơn bà con xã Phước Nam đã có những chia sẻ, củ khoai, quả dưa, chai nước sát cánh cùng anh em trực chiến ròng rã 28 ngày qua. Kết thúc nhiệm vụ, tôi được cơ quan đón về, tiếp tục nhận nhiệm vụ mới tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại địa bàn xã Cà Ná, khu vực giáp địa bàn huyện Bình Thuận, trước khi được về với gia đình”, anh Tiến xúc động.

Không còn những cuộc điện thoại reo liên tục, không còn lo tiếp nhận hay chỉ đạo, giám sát phân chia nhu yếu phẩm… , đồng chí Bá Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phước Nam cho biết: Với bản thân và cả xã, 28 ngày phong toả cách ly là một "cuộc tổng diễn tập thực tiễn" mà kể cả một vị đạo diễn đại tài nào đó, cũng không lường trước được các tình huống phát sinh. Từ việc ăn uống, sinh hoạt hay cấp bách như đi sinh, cấp cứu, đám ma…của thôn Văn Lâm 3 đều trở thành việc chung của xã. Mọi khâu đều phải tính toán, thực hiện làm sao cho thấu tình, đạt lý mà đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch của địa phương. Đồng chí Bá Văn Cảnh cho biết thêm: Sau khi được gỡ bỏ lệnh phong tỏa, việc cấp bách của địa phương hiện giờ là nhanh chóng hoàn thành và cấp phát giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly kiểm dịch y tế cho hơn 5.000 người dân thôn Văn Lâm 3 để họ có điều kiện di chuyển và thuận lợi trở lại nơi làm việc; chủ động tổ chức rà soát, lập danh sách các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo để thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm chia sẻ khó khăn, bảo đảm cuộc sống cho người dân trong tình hình dịch bệnh khi có chỉ đạo triển khai của UBND tỉnh; đồng thời làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tạo công ăn việc làm tại chỗ cho các đối tượng làm ăn xa quay trở về địa phương tránh dịch, phần nào giúp họ ổn định cuộc sống.

Giữa mùa đại dịch, khó có thể nói hết những nhọc nhằn, lo toan trên khuôn mặt của những người “tuyến đầu” đang ngày đêm làm nhiệm vụ. Công cuộc chống dịch COVID-19 vẫn đang ở giai đoạn quyết liệt nhất, cần sự tin tưởng, đồng lòng, chung sức của toàn dân, cũng như sự tiên phong, tình nguyện của các đoàn thể, lực lượng. Đây là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, nhưng cũng là trách nhiệm công dân của mỗi người. Ngày mới rực rỡ nắng vàng trên những con xóm nhỏ ở Văn Lâm 3. Nụ cười, niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt. Cuộc sống trôi qua bình thường không chỉ là thứ khát khao 28 ngày qua của người dân thôn Văn Lâm 3, mà là của toàn dân tộc, chắc chắn sẽ thành hiện thực.