Theo đó, có 3 nhóm được phân loại gồm: Nguy cơ cao, có nguy cơ và có nguy cơ thấp, trong đó nhấn mạnh rằng các nhóm này không phải là bất biến, sẽ xem xét để cập nhật các nhóm này rồi điều chỉnh phù hợp.
Nhóm nguy cơ cao gồm 12 địa phương, trong đó có Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc ngày 30/4 tùy tình hình cụ thể. Ngoài ra, 12 địa phương nguy cơ cao có thể kéo dài hơn nữa thực hiện Chỉ thị nếu tình trạng lây mắc COVID-19 diễn biến phức tạp.
Một số tuyến đường trung tâm của thành phố Hà Giang (tỉnh Hà Giang) đông đúc người và xe cộ qua lại. Ảnh (chụp ngày 13/4): TTXVN phát
Nhóm có nguy cơ gồm 15 tỉnh, thành phố có lộ trình để thực hiện Chỉ thị 16 và thực hiện nghiêm Chỉ thị 15. Quyết định cuối cùng của nhóm này tuỳ theo tình hình thực tiễn tới ngày 22/4.
Có 36 tỉnh, thành còn lại trong số 63 tỉnh, thành phố của nước ta được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Điều này khiến nhiều người lầm tưởng những địa phương này được coi là “an toàn” trước dịch COVID-19.
Tuy nhiên, ngay trong sáng 16/4, tỉnh Hà Giang - một địa phương trong nhóm nguy cơ thấp đã chính thức ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên. Đó là bệnh nhân số 268, thường trú thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Gia đình bệnh nhân có 3 anh trai làm việc tự do bên kia biên giới.
Chia sẻ về việc nhiều người coi các địa phương nguy cơ thấp là “an toàn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định: Điều này là hoàn toàn không đúng. Bởi cả nước ta đều đang có nguy cơ lây nhiễm, không có nơi nào được coi là an toàn, ai cũng có nguy cơ mắc COVID-19.
Để xếp nguy cơ của các địa phương, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, các chuyên gia dựa trên các yếu tố nguy cơ để xây dựng các điểm số, tính toán khoa học. Thủ tướng cũng đã khẳng định các nhóm này không phải là bất biến, mà luôn có thể thay đổi. Địa phương đang ở nhóm nguy cơ thấp có thể thành nguy cơ trung bình, thậm chí là nguy cơ cao.
Có 36 tỉnh được xếp mức nguy cơ thấp là vì thời điểm đó ít có yếu tố dịch bệnh xâm nhập, không phức tạp như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng chỉ cần phát hiện một ca bệnh phức tạp thì nguy cơ này có thể thay đổi. Bất kỳ nơi nào lơ là, chủ quan, dịch bệnh đều có thể xuất hiện - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu cảnh báo. Hà Giang đã được xếp vào nhóm nguy cơ thấp nhưng đã xuất hiện ca bệnh đầu tiên. Điều đó cho thấy không có địa phương nào có thể xem mình là an toàn trong giai đoạn dịch hiện nay.
Vì thế, chuyên gia khuyến cáo người dân, kể cả ở 36 địa phương nguy cơ thấp không được nghĩ mình an toàn, không được chủ quan. Người dân cả nước cần tiếp tục áp dụng nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2 mét. Người dân không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết, đặc biệt là người có bệnh nền và người già; khai báo y tế. Các địa phương dù là ở nhóm nguy cơ thấp cũng cần cảnh giác phát hiện sớm các ca bệnh, khoanh vùng, dập dịch sớm, không để dịch bùng phát.
Việc giãn cách xã hội là vô cùng quan trọng. Những người bị sốt, ho đều phải tiến hành khai báo y tế để được xét nghiệm. Đa số các trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ nhưng một số trường hợp khi vào viện đã diễn biến nặng nhanh - Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu chia sẻ.
Ngay sau khi chính thức ghi nhận ca mắc COVID-19 đầu tiên, UBND tỉnh Hà Giang đã họp khẩn trực tuyến, chỉ đạo các ngành chức năng, chủ tịch UBND 11 huyện, thành phố trong tỉnh triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 trong nhân dân, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn bản vùng sâu, xa, biên giới của tỉnh.
Theo TTXVN/Báo Tin tức