Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê cho biết: Năm 2020, phương án ĐTDN đã có sự thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Đó là ứng dụng triệt để CNTT vào công tác quản lý, thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích dữ liệu ĐTDN. Theo đó, khâu điều tra thu thập thông tin được thực hiện bằng phương pháp điều tra trực tuyến, có nghĩa là DN sẽ cung cấp thông tin bằng bảng hỏi điều tra trực tuyến (web-form). Điều này tạo thuận lợi cho DN có thể chủ động cung cấp thông tin bằng hình thức trực tuyến, tiết kiệm nguồn lực, thông tin được cập nhật sẽ nhanh hơn, từ đó ngành Thống kê có thể xử lý, tổng hợp và công bố sớm kết quả điều tra...
Cụ thể thực hiện quy định của phương án điều tra: Mỗi DN sẽ được cấp một tài khoản đăng nhập và mật khẩu để vào chương trình. Tại chương trình này, các DN có nghĩa vụ và trách nhiệm cung cấp các thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2019 của DN mình theo đúng yêu cầu của phương án điều tra. Thông tin của DN gửi về cho cơ quan Cục Thống kê sẽ được bảo mật tuyệt đối theo quy định của Luật Thống kê. Việc kê khai thông tin Phiếu ĐTDN năm 2020 sẽ thực hiện thống nhất trên Hệ thống trang tác nghiệp của ngành Thống kê được đăng tải trên địa chỉ: thongkedoanhnghiep.gso.gov.vn.
Để hỗ trợ DN, các điều tra viên, giám sát viên sẽ tiếp cận DN để hướng dẫn, hỗ trợ về nghiệp vụ, cấp tên truy cập, mật khẩu để đăng nhập vào trang điều tra trực tuyến và DN tự cung cấp thông tin trực tuyến theo bảng hỏi điện tử (web-form) phù hợp với ngành sản xuất, kinh doanh của DN; hoặc DN truy cập vào trang Thống kê DN trực tuyến để tải mẫu phiếu điều tra (Excel-Form) điền thông tin phù hợp với ngành sản xuất, kinh doanh của DN và gửi lại cho ngành Thống kê trên trang điều tra trực tuyến. Phương án ĐTDN năm 2020, có 18 loại phiếu điều tra dành cho các loại hình DN khác nhau. Tổng cục Thống kê đã hoàn thiện các khâu trong phương án, triển khai phù hợp với các đối tượng DN theo luật định; bảo đảm tính bảo mật, kết nối thông tin thông suốt.
Kết quả thu thập từ ĐTDN năm 2020 được sử dụng phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển DN của quốc gia, từng địa phương, các nhà đầu tư và các DN, Hợp tác xã; được dùng trong tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, các chỉ tiêu trong báo cáo chính thức hàng năm của ngành Thống kê. Đồng thời, kết quả của ĐTDN năm 2020 sẽ là tư liệu để tổng hợp và biên soạn ấn phẩm “Sách trắng doanh nghiệp năm 2021” và “Sách Trắng Hợp tác xã năm 2021”; đánh giá mức độ sẵn sàng ứng dụng công nghệ trong DN và chi phí dịch vụ logistics trong thời đại công nghiệp 4.0.
Đối với tỉnh, ngoài nhiệm vụ chung, Cục Thống kê tỉnh còn thực hiện các công việc được UBND tỉnh giao: Thu thập tổng hợp thông tin cơ bản của người lao động trong các DN và chi nhánh trên địa bàn toàn tỉnh phục vụ công tác thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh; thu thập và xây dựng hệ thống số liệu về thực trạng sử dụng công nghệ trong sản xuất của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ứng dụng công nghệ trong DN và chi phí dịch vụ logistic trong thời đại công nghiệp 4.0 trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Hương cho biết thêm: Để thực hiện tốt việc thu thập thông tin điều tra DN năm 2020, ngoài sự nỗ lực của ngành Thống kê, sự phối hợp của các ngành thì các cấp lãnh đạo, quản lý tại các địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp tổ chức thực hiện, tuyên truyền đến cộng đồng DN về ý thức chấp hành pháp luật trong việc cung cấp thông tin thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời, cũng như nâng cao vai trò quản lý của các cấp trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thực thi chế tài xử phạt vi phạm hành chính thực hiện Luật Thống kê. Với hình thức kê khai trực tuyến, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, cung cấp thông tin điều tra thống kê của từng DN cần được phát huy. Chính vì vậy, sự đồng hành của hệ thống chính trị địa phương, sự sẵn sàng cung cấp thông tin của mỗi DN là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng thông tin đầu ra và sự thành công của cuộc ĐTDN năm 2020 trên địa bàn tỉnh.
Bình An