Hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2017 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, toàn tỉnh chuyển đổi được hơn 6.682 ha cây trồng cạn, đạt 106,38% kế hoạch.

Trong đó, chuyển đổi luân canh cây ngắn ngày như bắp, đậu xanh, mè, kiệu, dưa hấu, rau màu, khoai mì hơn 5.161 ha; chuyển đổi bền vững các loại cây nho, táo, măng tây xanh, bưởi, mít, thanh long, cỏ chăn nuôi hơn 1.520 ha. Các mô hình chuyển đổi cây trồng đạt được hiệu quả cả về kinh tế lẫn xã hội, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng sản phẩm

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác chuyển đổi cây trồng đạt được mục đích đề ra là tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Cụ thể, cây đậu xanh lợi nhuận cao hơn 1,2 - 2 lần; bắp giống cao hơn khoảng 4,8 lần; bắp thương phẩm cao hơn 1,4 lần; cây mè cao hơn 0,8 lần; cây kiệu cao gấp 12 - 20 lần so với trồng lúa trên cùng chân ruộng. Ngoài ra, sản xuât cây trồng cạn thu được lượng lớn phụ phẩm thân, lá cây dùng để làm thức ăn gia súc; đồng thời, góp phần nâng cao độ phì của đất.

Đối với các loại cây trồng dài ngày ở các vùng chuyển đổi bền vững đều phát triển tốt, đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất lúa sử dụng nhiều nước nhưng không hiệu quả. Một số loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao như nho, táo, măng tây xanh, cỏ chăn nuôi đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản. Cụ thể, cây nho sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được cao gấp 18 lần; cây táo lợi nhuận cao gấp 8,1; cây mây măng tây xanh lợi nhuận cao gấp 10,6 lần so với trồng 3 vụ lúa/năm.

Nông dân xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc cây măng tây xanh. Ảnh: Duy Anh

Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhìn nhận: Kết quả đã chứng minh măng tây xanh là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện khí hậu nắng nóng, thị trường tiêu thụ ổn định. Đơn vị tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm măng tây xanh nhằm nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, đối tượng chuyển đổi cần được quan tâm đó là phát triển đồng cỏ trên chân ruộng lúa và đất màu hiệu quả thấp để phục vụ cho mục tiêu phát triển chăn nuôi là phù hợp. Phương án phát triển chăn nuôi gia súc có sừng tập trung gắn với trồng cỏ là giải pháp bền vững, hiệu quả nhất hiện nay. Nông dân liên kết với các doanh nghiệp chăn nuôi trồng cỏ mỗi năm thu được trên 100 triệu đồng/ha, mở ra hướng làm giàu mới cho bà con ở vùng hạn.

Điều đáng ghi nhận, việc đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn đã giải quyết việc làm ổn định, tạo thu nhập cho người dân tại các vùng sản xuất trong điều kiện hàng năm thường xuyên thiếu nước. Thông qua thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng giúp người dân có thu nhập, hạn chế phát sinh mất trật tự an ninh vùng nông thôn, tiết kiệm lớn lượng nước tưới, hạn chế việc khai thác nước ngầm, tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước, bỏ vụ kéo dài. Đồng thời, luân canh cây trồng cạn như đậu xanh, bắp, cỏ, rau trên đất lúa giúp cải tạo đất và cắt đứt nguồn truyền sâu bệnh hại cây trồng. Nhờ thực hiện giải pháp gieo trồng tập trung, áp dụng các biện pháp canh tác hợp lý, nên hạn chế được dịch hại, giảm chi phí sản xuất.

Hình thành các mối liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Nhìn lại hoạt động chuyển đổi cây trồng cạn để thấy, với sự kêu gọi và tạo điều kiện thuận lợi của tỉnh, của các địa phương, một số doanh nghiệp đã tham gia liên kết, cung ứng giống, vật tư, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, đảm bảo quyền lợi giữa các bên, tạo sự yên tâm cho người dân tham gia chuyển đổi cây trồng cũng như sản xuất cánh đồng lớn. Số lượng doanh nghiệp liên kết với nông dân tăng từ 2 doanh nghiệp vào năm 2016 lên 8 doanh nghiệp hiện nay. Trong đó, có những mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ, mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, 2 cơ sở thu mua nông sản ở Đồng Tháp trực tiếp ký hợp đồng cung ứng giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm củ kiệu cho nông dân tại huyện Ninh Sơn và Bác Ái, với sản lượng hơn 200 tấn/năm. Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận, Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến bao tiêu sản phẩm măng tây xanh cho nông dân. Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam ký hợp đồng cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm cho nông dân sản xuất bắp giống, đậu xanh.

 
Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) liên kết với doanh nghiệp trồng bắp lai theo chuỗi giá trị.

 Hình thức tổ chức hợp tác liên kết theo chuỗi gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ cũng phát triển đa dạng. Trong đó, phải kể đến vai trò của các hợp tác xã (HTX) trong chuỗi liên kết như: HTX Tuấn Tú, xã An Hải (Ninh Phước) ký hợp đồng với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến làm cầu nối cho nông dân, liên kết với doanh nghiệp cung ứng giống và bao tiêu sản phẩm, mở rộng diện tích sản xuất măng tây xanh, nâng cao thu nhập cho thành viên. HTX Nho Evergreen Ninh Thuận, phường Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) cũng đã đẩy mạnh liên kết hai chiều, giữa HTX với nông dân và HTX với doanh nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Tin cho rằng, trong điều kiện khí hậu nắng nóng, giải pháp để duy trì sản xuất ở những vùng thường xuyên thiếu nước tưới là đẩy mạnh triển khai, nhân rộng các mô hình cây trồng cạn. Với hình thức tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị mà các địa phương đang áp dụng hiện nay, sẽ khắc phục được tình trạng canh tác nhỏ lẻ, manh mún, hướng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa.