Nhà văn Khánh Liên giành cho chúng tôi cuộc trao đổi thú vị về con đường đến với nghề cầm bút của chị là một trong 20 hội viên ngành Văn xuôi mới được kết nạp vào đầu năm 2020 của Hội Nhà Văn Việt Nam. Ban đầu chị viết văn tạo niềm vui của lứa tuổi học trò ở làng quê Gò Đền bên bờ Đầm Nại thơ mộng trữ tình. Ít ai ngờ từ năm học lớp 8, Trường THCS Tân Hải (Ninh Hải), Khánh Liên đã có truyện ngắn trên Báo Thiếu niên Tiền phong. Đó là tác phẩm có tựa đề “Những lá thư cánh chuồn” kể về câu chuyện những đứa trẻ ở làng quê ven Đầm Nại viết thư cột vào đuôi chuồn chuồn kèm theo một điều ước, với niềm hy vọng chuồn chuồn sẽ đem điều ước thành hiện thực. Thế rồi niềm chờ đợi cũng quên dần theo năm tháng cùng với sự lớn lên của lũ trẻ. Bản thảo truyện ngắn đầu tay “Những lá thư cánh chuồn” của cô học trò Khánh Liên được Ban Biên tập Báo Thiếu niên Tiền phong đăng trên trang sáng tác thiếu nhi. Niềm vui lớn lao hơn là cô học trò Khánh Liên nhận được thư cảm ơn và mong tiếp tục cộng tác của đại diện Báo Thiếu niên Tiền phong đã tạo động lực cho Khánh Liên tiếp tục với nghề cầm bút hơn 20 năm qua.
Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2000, Khánh Liên mong ước được học chuyên ngành Ngữ văn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh để có cơ hội luyện nghề theo con đường viết văn chuyên nghiệp. Gia đình Khánh Liên có truyền thống nhà giáo, 3 người chị đều là giáo viên. Ba mẹ mong muốn Khánh Liên tiếp nối nghề dạy học như các chị. Đến năm 2002, Khánh Liên đăng ký thi và trúng tuyển khoa Mỹ thuật-Nhạc khóa 26 của Trường CĐSP Ninh Thuận. Trong suốt thời gian học, Khánh Liên chăm chú viết truyện ngắn và có nhiều tác phẩm đăng trên Tập san Áo Trắng (TP. Hồ Chí Minh). Với phong cách viết văn tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu lắng làm lay động lòng người, bút danh Khánh Liên trở thành quen thuộc của giới trẻ yêu học trong cả nước. Sau khi tốt nghiệp sư phạm, chị được tiếp nhận về giảng dạy môn mỹ thuật cho học sinh dân tộc Raglai ở xã vùng cao Phước Chiến (huyện Thuận Bắc). Cô giáo trẻ Khánh Liên luôn gắn bó, yêu thương và tận tâm truyền dạy kiến thức cho học sinh. Chị thật sự ấn tượng và thích thú với họ của học trò khi đọc lên như Chamaleá, Pinăng, Katơ, Charao, Đá Mài…
7 năm giảng dạy và gắn bó với mái trường vùng cao Phước Chiến cho Khánh Liên có cơ hội hòa mình vào đời sống văn hóa đặc trưng của đồng bào Raglai bản địa. Chính những năm tháng tuy khó khăn về điều kiện đi lại giữa gia đình và cơ sở trường lớp nhưng đã cho cô giáo trẻ đam mê sáng tác văn học thu thập, tích lũy nhiều tư liệu quý để hoàn thành tập truyện dài “Charao mùa trăng” do NXB Trẻ ấn hành năm 2014. Tập truyện dài đặc sắc này đã vượt qua trên 300 tác phẩm dự thi được Ban Tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ V- năm 2014 chọn 9 tác phẩm xuất sắc vào vòng chung kết và tác giả Khánh Liên được trao giải Khuyến khích. Đây là giải thưởng do Báo Tuổi trẻ, NXB Trẻ và Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức nhằm phát hiện bồi dưỡng phát triển khả năng sáng tác cho những tác giả có tài năng văn chương. “Charao mùa trăng” là một trong những tác phẩm khẳng định khả năng sáng tạo văn học của Khánh Liên góp phần quan trọng cho chị được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Khánh Liên đã từng đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác truyện ngắn “Kẹo bạc hà cho tình đầu” năm 2013 do Tập san Áo Trắng tổ chức. Ngoài nhiều tác phẩm in chung và đăng trên các báo, tạp chí trong cả nước, Nhà văn Khánh Liên có nhiều tác phẩm in riêng như: Mùa Ảo Ảnh NXB Văn hóa-Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh năm 2012; Cô bé gọt bút chì và chú vẹt Cúc-cu NXB Kim Đồng năm 2013; Giải cứu ông già Noel NXB Kim Đồng năm 2016…
Hiện nay Nhà văn Khánh Liên đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm Mỹ thuật đang công tác tại Trường THCS Bùi Thị Xuân (Thuận Bắc). “Với vai trò hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tôi tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm mới mang hơi thở cuộc sống mới của quê hương và con người Ninh Thuận trên bước đường đổi mới và phát triển. Qua đó tích cực góp phần cùng đội ngũ văn nghệ sĩ xây dựng nền văn hóa văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức văn học của nhân dân tỉnh nhà”, Nhà văn Khánh Liên chia sẻ về định hướng sáng tác trong thời gian tới.
Sơn Ngọc