Chẳng những vậy, thịt chim bồ câu còn lành tính và dễ tiêu hoá hơn so các loại gia cầm khác nên có thể dùng làm thức ăn tẩm bổ cho người cao tuổi, trẻ em có bộ phận tiêu hoá kém và là bài thuốc an thai cho sản phụ. Món Bồ câu tiềm thuốc bắc tuy khá nhiều nguyên liệu nhưng hầu hết đều là những nguyên liệu có sẵn và cách nấu cũng khá đơn giản.
Nguyên liệu dành cho 4 người: 2 con chim bồ câu; 100 gram hạt sen tươi; một gói thuốc bắc gồm: Kỷ tử , táo tàu, ý dĩ, đẳng sâm, sa sâm (mua ở tiệm); xương heo ống; thịt nạc vai băm nhỏ; nấm mèo; nếp; đậu xanh; rau ngải cứu; hành khô; gừng; rượu trắng; gia vị: bột nêm, muối, tiêu, nước mắm, dầu ăn.
Trước hết, chọn chim câu ức đầy, mỏ neo và đầu cánh mềm là chim non. Chặt chân, mổ moi bỏ hết nội tạng, diều, cuống họng, xát muối rửa sạch. Đun nước sôi, cho gừng và rượu trắng vào, nhúng qua chim để khử mùi hôi rồi để ráo nước, lau khô bằng giấy ăn.
Nhân nhồi bồ câu: Gạo nếp, đậu xanh ngâm nở, vo sạch; nấm mèo ngâm nở, xắt nhỏ; hành khô thái mỏng, phi vàng; Hỗn hợp thịt nạc vai bằm nhỏ, nấm mèo, hành khô, đậu xanh, nếp, gia vị gồm bột nêm, tiêu, nước mắm, bột ngọt... tất cả trộn đều và nêm nếm cho vừa miệng.
Xương ống rửa sạch, đun sôi, khi sôi mở nắp để nước trong, hớt bọt. Sau đó cho hạt sen đã ngâm nở và cho tất cả các vị thuốc bắc nêu trên ninh mềm.
Nhặt phần ngọn và lá ngon của ngải cứu, rửa sạch, luộc sơ rồi xào với dầu ăn và một ít gia vị.
Cách thực hiện như sau:
Chiên hơi vàng chim câu sau đó lau bớt dầu, nhồi hỗn hợp thịt nạc bằm vào trong xong rồi dùng tăm ghim hoặc lấy chỉ may lại, để giữ phần nhân không rớt ra ngoài. Sau đó, cho bồ câu đã nhồi nhân vào nồi nước hầm xương trước đó. Để lửa liu riu khoảng chừng 2-3 tiếng đồng hồ cho thật nhừ, đến khi ta lấy đũa xắn thấy mềm rục là được.
Sau đó cho ngải cứu vào nấu thêm khoảng 15 - 20 phút cho dậy mùi. Lúc này, chim câu đã chín, thịt mềm nhưng không nát, tỏa ra vị thơm của thuốc bắc.
Món này ăn nóng chấm với bánh mì, nước hầm của món này rất tốt cho cơ thể.
Thùy Trang (Nguồn nauanngon.com)