Các loại quảng cáo muôn hình vạn trạng, đủ màu sắc, cứ thế chồng chất lên nhau, làm mất mỹ quan đô thị.
Sẽ chẳng khó khăn gì để đọc được một mẩu rao vặt khi xe bạn dừng lại trước một ngã 3, ngã 4 đèn tín hiệu giao thông. Chi chít những nội dung “Cần tuyển nhân viên…”, “Cần sang quán…”, “Cho thuê mặt bằng…” in mực, thậm chí viết tay. Và trên mỗi mẩu quảng cáo đó, chẳng có gì ngoài mấy dòng nội dung chính và một số điện thoại liên hệ. Hay như dịch vụ thông cống, hút hầm cầu in nổi bằng sơn xanh, đen khó “bay” màu. Kiểu thông báo này đã trở thành một loại hình quảng cáo “miễn phí” khá lý tưởng thay vì người có nhu cầu thông tin quảng cáo phải thanh toán phí khi đăng ký tại các trung tâm dịch vụ quảng cáo.
Trụ điện có còn chỗ quảng cáo!
Nếu cách đây không lâu, quảng cáo tự do chỉ xuất hiện dưới hình thức là những mẫu giấy nhỏ được dán lên các trụ đèn, trụ điện, hoặc được sơn cố định lên tường nhà, tường rào... thì nay, loại hình quảng cáo này biến tướng về cả nội dung lẫn hình thức. Ở đâu có mặt tiền rộng, đẹp, thông thoáng, thu hút sự chú ý của nhiều người...ở đó quảng cáo xuất hiện. Nội dung phong phú cực kỳ, bên cạnh những dịch vụ mới như: sửa chữa vi tính tại nhà, tuyển nhân viên phục vụ nhà hàng, quán cà phê…thì dịch vụ mua bán nhà đất, thông tin ca nhạc, tạp kỹ nổi trội hơn hết. Điển hình là trên tuyến đường 21 Tháng 8, không một trụ điện, cột đèn nào là không dán những mẩu quảng cáo. Nhất là những tờ bướm chương trình ca nhạc ở các trung tâm văn hóa. Tờ bướm khổ lớn bắt mắt bởi trên nó là chân dung các ca sĩ, diễn viên trong đêm nhạc. Không ai quản lý, hết lượt này đến lượt nọ, hết người này đến người khác, mặc nhiên dán chồng lên. Có người chịu khó hơn, dở phần quảng cáo cũ để dán những thông báo mới, nhưng cũng chỉ làm cho “địa bàn quảng cáo” thêm phần nham nhở. Dẫu biết rằng thông tin đến mọi người biết để thưởng thức nghệ thuật là cần thiết nhưng cách làm như thế thật phi văn hóa. Chị Châu, chủ tạp hóa trên đường 21 Tháng 8 than phiền: “Tôi không thấy người dán mà cứ thấy quảng cáo khắp cột điện trước nhà. Có lần thấy một thanh niên dán quảng cáo ca nhạc tôi có nói thì họ bảo: chương trình diễn xong tụi em lấy xuống nên cho qua.
Nhiều lần như vậy, trụ điện có bao giờ “sạch đẹp” được đâu, lại ngay mặt tiền căn nhà nên rất khó coi”. Chị Châu còn bức xúc: “Cách quảng cáo này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà còn gây ô nhiễm vì mưa nắng vài hôm là giấy tơi ra, rã rục, dơ lắm!”. Trên nhiều tuyến đường khác, hình thức quảng cáo còn “phong phú” hơn.
Những thông tin rao vặt len lỏi lên cả tường nhà, hàng rào, ống cống đang xây lắp….Anh Nguyễn Công Lành làm nghề xe ôm ở địa bàn Phước Dân (Ninh Phước) nói: “Anh em xe thồ chúng tôi thỉnh thoảng lại thấy người đi dán thông báo mà có dám nói đâu vì không biết họ là ai”. Nạn quảng cáo tự do đã và đang gây phiền toái cho người dân và mất mỹ quan đô thị. Ngành chức năng cần có biện pháp can thiệp, có quy hoạch cụ thể địa điểm quảng cáo công cộng để chấm dứt tình trạng quảng cáo tràn lan, thiếu văn hóa nêu trên.
Diễm My