* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết tình hình bệnh HIV/AIDS ở tỉnh ta hiện nay? Mục đích, ý nghĩa của Tháng hành động năm nay cũng như việc triển khai Quỹ Hỗ trợ KCB người nghèo và Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV?
- Đồng chí Lê Minh Định: HIV/AIDS đang tiếp tục đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người dân, gây ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị và trật tự an toàn xã hội, đến sự phát triển của đất nước và tương lai của giống nòi. Tính đến tháng 11-2019 toàn tỉnh có 179 người nhiễm HIV đang được quản lý và điều trị, 43/65 xã, phường có người nhiễm, tập trung chủ yếu Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 92 trường hợp, Ninh Phước 29 trường hợp, Ninh Sơn 22 trường hợp, Ninh Hải 18 trường hợp, Thuận Nam 9 trường hợp, Thuận Bắc 8 trường hợp, Bác Ái 1 trường hợp.
Năm 2019, Chương trình của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Tháng hành động của nước ta năm 2019 tập trung vào chủ đề “Cùng hành động để kết thúc dịch AIDS!”, mục đích nhằm huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, người cung cấp dịch vụ và toàn thể cộng đồng tham gia phòng, chống HIV/AIDS, góp phần đạt được mục tiêu mà Chương trình của Liên hợp quốc về HIV/AIDS đã đề ra.
Chăm lo cho người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm HIV/AIDS để họ có cuộc sống tốt hơn không chỉ là thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn thể hiện truyền thống tốt đẹp “tương thân, tương ái, lá lành, đùm lá rách” của dân tộc ta. Trong những năm gần đây, phong trào thực hiện nhân đạo, từ thiện ngày càng được quan tâm, thu hút nhiều tổ chức, cá nhân tham gia, góp phần tích cực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội của địa phương. Từ năm 2014 đến nay, Quỹ KCB cho người nghèo của tỉnh đã hỗ trợ trên 2.000 lượt bệnh nhân nghèo với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tỉnh đã chi hỗ trợ cho 9 người nhiễm với số tiền gần 17 tỷ đồng. Qua đó giúp người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, người mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn giảm một phần gánh nặng chi phí trong quá trình điều trị. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều trường hợp người nhiễm HIV/AIDS và các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đang gặp khó khăn cần được hỗ trợ. Việc vận động ủng hộ Quỹ KCB cho bệnh nhân nghèo và Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh của hệ thống chính trị, toàn xã hội và cộng đồng; huy động nguồn lực để chăm lo sức khỏe, giúp người nghèo tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần đảm bảo quyền lợi và sự công bằng trong KCB, không để bệnh nhân nghèo bị bỏ lại phía sau; giúp đỡ người nhiễm, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn được xét nghiệm phát hiện và điều trị sớm, tích cực bằng thuốc kháng vi rút HIV, xét nghiệm kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp, duy trì sức khỏe, ổn định cuộc sống và tích cực dự phòng ngăn ngừa lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết Tháng hành động năm nay tập trung vào những hoạt động cụ thể nào?
- Đồng chí Lê Minh Định: Trong Tháng hành động, ngoài tổ chức lễ phát động vào ngày 14-11 và kêu gọi ủng hộ Quỹ hỗ trợ KCB người nghèo và Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV, các địa phương cùng các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng đẩy mạnh các đợt chiến dịch giáo dục truyền thông, tuyên truyền bằng nhiều hình thức tập trung vào các nội dung: Biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV; lợi ích của tư vấn xét nghiệm sớm HIV và xét nghiệm định kỳ với các nhóm có hành vi nguy cơ cao; quảng bá các dịch vụ điều trị ARV tại địa phương. Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV. Tuyên truyền sự cần thiết, quyền lợi và các quy định, thủ tục tham gia, cũng như cách sử dụng BHYT khi KCB BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS; Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm nhiễm dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)…
Ngoài ra, ngành Y tế sẽ mở rộng việc cung ứng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như tư vấn xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, điểm cấp phát thuốc Methadone, ARV tại các trạm y tế xã. Cung cấp các dịch vụ dự phòng trước phơi nhiễm HIV như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm sạch cho người dân có nhu cầu tại cộng đồng, nhất là các đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
* Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
U.Thu