Tham gia hội thảo, nông dân được các chuyên gia từ Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ trao đổi và hướng dẫn một số biện pháp phù hợp trong quá trình canh tác cây kiệu như: Lựa chọn kích thước củ giống, mật độ trồng, xử lý mầm bệnh từ củ giống và vật liệu lá mía, vấn đề sử dụng phân, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) theo hướng an toàn…Được biết, dựa vào điều kiện thổ nhưỡng và hướng mở rộng phát triển cây kiệu tại một số khu vực trên địa bàn huyện Ninh Sơn, từ tháng 6 – 2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ triển khai thí điểm Mô hình “Nhân giống kiệu và sản xuất kiệu thương phẩm an toàn” với diện tích 2,5ha tại xã Quảng Sơn và Lương Sơn. Tổng kinh phí thực hiện gần 2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước 867 triệu đồng còn lại là vốn đối ứng của nông dân, thời gian kết thúc mô hình vào tháng 5-2021.
Một trong những nét mới của mô hình này là việc các chuyên gia vẫn dựa trên cách canh tác của người trồng kiệu địa phương đang triển khai lâu nay, qua đó nghiên cứu, bổ sung thêm các phương pháp canh tác mới từ kỹ thuật làm đất, lên luống, che phủ bề mặt, tạo rãnh thoát nước, áp dụng phương pháp tưới cho phù hợp hơn… nhằm tăng năng suất, đảm bảo tính an toàn thực phẩm. Qua bước đầu khảo sát và theo dõi, hiện các diện tích kiệu trong mô hình đang sinh trưởng và phát triển tốt, người dân cơ bản nắm được một số kỹ thuật canh tác mới được các đơn vị chuyển giao.
Được biết, hiện nay toàn huyện Ninh Sơn có khoảng 115 ha diện tích đất đang canh tác cây kiệu.
N.Sơn