Trước đó, vào ngày 9-9, UBND huyện Bác Ái tiếp nhận thông tin đàn (lợn) heo của bà Đặng Thị Hoàng Phượng, thôn Ha Lá Hạ, xã Phước Thắng chết hàng loạt. Ngay lập tức, cơ quan chuyên môn của huyện đã lấy mẫu, gửi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi. Đến ngày 11-9, huyện Bác Ái tiếp tục phát hiện thêm đàn heo tại thôn Mã Tiền, xã Phước Tiến mắc dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Ngay sau khi phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại hai xã Phước Thắng và Phước Tiến, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Trạm Chăn nuôi và Thú ý huyện tổ chức tiêu hủy toàn bộ số heo có dấu hiệu mắc bệnh với tổng số lượng 146 con; vệ sinh tiêu độc khử trùng vùng dịch, các khu vực lân cận và ban hành quyết định công bố dịch trên địa bàn huyện.
Các xã trên địa bàn huyện Bác Ái tiếp tục phun tiêu độc khử trùng môi trường.
Theo đó, địa phương đã cử các cán bộ chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện các ổ dịch, từ đó khoanh vùng để tránh lây lan sang các địa phương khác; thành lập 1 chốt kiểm dịch động vật hoạt động 24/24 giờ tại xã Phước Thành. Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động thông báo khi đàn heo xuất hiện các dấu hiệu mắc bệnh; tổ chức nuôi nhốt đàn heo, tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh thường gây bệnh trên đàn heo và vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường. Đến nay, địa phương đã tiếp nhận 28 tấn vôi và trên 1.000 lít dung dịch hóa chất cấp cho các xã trên địa bàn huyện để triển khai 6 đợt tiêu độc khử trùng môi trường.
Mặc dù trên địa bàn huyện đã công bố hết dịch nhưng trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp và có thể xuất hiện trở lại, do đó, huyện Bác Ái khuyến cáo các xã trên địa bàn huyện không nên chủ quan trong công tác phòng, chống dịch; tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ chăn nuôi nhốt đàn heo, vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc và rắc vôi bột khử trùng theo định kỳ.
Lê Thi