Nhiều nỗ lực nhằm gỡ “thẻ vàng” của EC

Sau 2 năm bị cảnh báo “thẻ vàng”, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp chế biến hải sản đã có nhiều nỗ lực nhằm khắc phục các điểm yếu theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC). Tháng 11-2019, Đoàn kiểm tra của EC sẽ sang Việt Nam lần thứ 2 để kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các khuyến nghị mà phía EC đưa ra trước đó đối với hải sản khai thác của Việt Nam.

Thiệt hại lớn

Thủy sản là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu trung bình 3 năm qua đạt từ 7-8 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt từ 7-15%/năm. Ngành Thủy sản không chỉ tạo việc làm cho gần 5 triệu lao động thường xuyên mà còn luôn gắn chặt với lực lượng ngư dân, nông dân, góp phần đảm bảo sinh kế người dân và an ninh quốc phòng.

Trước đây, châu Âu (EU) từng là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ đứng sau Mỹ và chiếm khoảng 18% trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản cả nước. Trong đó, các mặt hàng hải sản khai thác biển luôn chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu sang EU với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 350-400 triệu USD/năm, tương đương 30% tổng giá trị xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam sang EU.

Tuy nhiên, từ ngày 23-10-2017, EC chính thức cảnh báo “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU vì chưa đáp ứng quy định về IUU. IUU (Illegal, Unrepoted and Unregulated Fishing) là hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định lý. Quy định về IUU bao gồm các tiêu chuẩn dành cho những hải sản nhập khẩu vào EU. Vi phạm các quy định này, EU sẽ kiểm tra toàn bộ lô hàng của nơi xuất xứ trong vòng ít nhất 6 tháng, hay còn gọi là phạt “thẻ vàng”. Nếu quá thời hạn 6 tháng hoặc qua thời gian được gia hạn mà quốc gia vi phạm chưa khắc phục khuyến cáo trong án phạt “thẻ vàng”, thì có thể sẽ bị phạt “thẻ đỏ” tức cấm xuất khẩu thủy sản vào EU. Theo đó, trong thời gian bị “thẻ vàng”, toàn bộ container hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU đều bị giữ lại kiểm tra nguồn gốc khai thác. Điều này đã gây mất thời gian và phát sinh thêm nhiều chi phí (kiểm tra nguồn gốc và phí lưu cảng). Rủi ro lớn nhất là tỷ lệ lớn các container hàng bị từ chối trả lại, gây tổn thất lớn cho việc xuất khẩu hải sản sang EU.

Trên thực tế, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU đã bị tác động rõ rệt. Nếu như kim ngạch xuất khẩu hải sản năm 2017 đạt gần 415 triệu USD thì đến năm 2018 chỉ còn gần 390 triệu USD, giảm 6,5%. Trong 8 tháng năm 2019, xuất khẩu hải sản vào EU tiếp tục chững lại và chỉ đạt 251 triệu USD. EU từ vị trí là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam đã tụt xuống vị trí thứ 5, tỷ trọng của thị trường EU cũng sụt giảm từ 18% xuống còn 13%.

Không chỉ gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu hải sản sang EU, tấm “thẻ vàng” này cũng gây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, cũng như các thị trường tiềm năng khác. Ngoài ra, “thẻ vàng” IUU cũng khiến nhiều mặt hàng như: tôm khô, ruốc khô Việt Nam mất cơ hội xuất khẩu do không thể làm được giấy chứng nhận khai thác hợp pháp, mặc dù thị trường EU đang có nhu cầu cao.

Nỗ lực khắc phục

Hai năm kể từ khi bị nhận “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã nỗ lực triển khai các giải pháp, tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của EC bao gồm: Hoàn thiện khung pháp lý xây dựng một hệ thống kiểm soát toàn diện cho việc chống khai thác IUU; Tăng cường công tác quản lý tàu cá; Tăng cường các giải pháp giải quyết hiện trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; Đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Cụ thể, ngay từ tháng 5-2017, khi có thông tin về khả năng Việt Nam có thể bị nhận “thẻ vàng" của EU về IUU, các cơ quan có thẩm quyền đã đẩy mạnh việc sửa đổi Luật Thủy sản, tập trung hướng tới việc kiểm soát và ngăn chặn các hành vi khai thác bất hợp pháp. Đồng thời, tăng cường các cơ chế kiểm tra hoạt động cập cảng của tàu cá nước ngoài tại Việt Nam.

Sau khi EU cảnh báo thẻ vàng với Việt Nam từ 23-10-2017, các bộ, ban, ngành: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Công Thương và Ban Tuyên giáo Trung ương theo chức năng và nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch, giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản, các nghị quyết, chỉ thị, công điện, quyết định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU. Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU sau khi thành lập đã bắt tay ngay vào hoạt động; triển khai các giải pháp cụ thể nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài. UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã xây dựng kế hoạch, nghị quyết, chỉ thị; tập trung triển khai thực hiện, đạt được nhiều chuyển biến tích cực, nhất là cơ bản ngăn chặn, giảm thiểu số tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, như các tỉnh Quảng Ngãi, Tiền Giang, Khánh Hòa, Phú Yên.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và cộng đồng doanh nghiệp hải sản đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chương trình hành động chống khai thác IUU toàn quốc với mục tiêu không để Việt Nam bị EU “giơ” “thẻ đỏ” và cao hơn là lấy lại thẻ xanh sớm nhất có thể. Đến nay, đã có trên 60 doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU bằng việc tuân thủ nguyên tắc chỉ thu mua hải sản từ những tàu đánh bắt có đầy đủ giấy phép, nhật ký khai thác và chứng nhận của cảng cá.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 30-9, số lượng tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình gồm: tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đạt 66,19%; tàu từ 15m đến dưới 24m đạt 15,41%; tàu dưới 15m có 77 tàu. Tỷ lệ tàu cá bật thiết bị giám sát hành trình 24/7 khi hoạt động khai thác trên biển đạt 32%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã công bố 61 cảng cá đủ điều kiện xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác qua cảng. Từ đầu năm nay, các đơn vị đã chứng nhận trên 3.000 giấy chứng nhận thủy sản khai thác với gần 39.000 tấn thủy sản

Tuy nhiên, vẫn còn một số nhiệm vụ, công việc đề ra thực hiện chưa đạt yêu cầu, ảnh hưởng đến nỗ lực chung, trong đó, nổi bật nhất là chưa ngăn chặn hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước trong khu vực. Vẫn còn tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Công tác giám sát tàu cá hoạt động trên biển tuy bước đầu được triển khai nhưng chưa có chuyển biến mạnh mẽ, thay đổi về chất. Công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác triển khai chưa được thực hiện đồng bộ, kịp thời và đạt độ tin cậy. Việc áp dụng chế tài xử lý các hành vi khai thác IUU chưa nghiêm, chưa triệt để…

Cần hành động nhanh chóng, quyết liệt

Sáng 15-10-2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng-Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai IUU đã chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo lần thứ 2. Tại phiên họp, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan và UBND 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tiếp tục quán triệt và tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo để ngăn chặn, loại bỏ khai thác IUU.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, chúng ta cần phải hành động nhanh chóng, quyết liệt, tổ chức triển khai thực hiện thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương các giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc ngăn chặn, loại bỏ hoạt động khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam.

Theo đó, về xử lý vi phạm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tiếp tục tăng cường việc nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm có dấu hiệu môi giới, móc nối của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. UBND các tỉnh, thành phố ven biển có trách nhiệm chính và Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm về việc ngăn chặn tình trạng vi phạm các quy định khai thác hải sản. UBND các tỉnh, thành phố ven biển cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Quốc phòng theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm. Các địa phương có tàu cá vi phạm cần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân để xảy ra các vi phạm trong thời gian qua; đồng thời tiếp tục triển khai các biện pháp ngăn chặn có hiệu quả, không để tái diễn tình trạng này.

Về triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thiện cơ sở hạ tầng để triển khai hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển kết nối đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU giải quyết các vấn đề mang tính chất liên ngành trong thực hiện nhiệm vụ khắc phục các khuyến nghị của EC.

Về lâu dài, với mục tiêu phát ngành Thủy sản bền vững, cần phải cấu trúc lại ngành Thủy sản theo hướng chuyển dần từ chủ yếu đánh bắt sang nuôi trồng biển; quy hoạch các vùng nuôi trồng hải sản, từ đó kế hoạch hóa đầu tư. Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì để có đề án tổng thể, sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Theo TTXVN