Hiệu quả từ chính sách tín dụng trong chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Thuận Bắc

Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Thuận Bắc đã cùng các hội, đoàn thể, địa phương nhận ủy thác để hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế gia đình. Qua đó, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm cho người dân địa phương.

Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo vay vốn, Ngân hàng CHXH huyện thực hiện phương thức quản lý thông qua hình thức ủy thác từng phần cho các tổ chức hội, đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn và tổ chức giao dịch trực tiếp tại xã. Với hình thức này, Ngân hàng CSXH có được mạng lưới hoạt động rộng khắp huyện với 26 hội, đoàn thể cấp huyện, xã và 144 tổ tiết kiệm và vay vốn. Việc tổ chức hoạt động giao dịch tại xã đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi thuận lợi, tiết kiệm chi phí; đồng thời giúp cho chính quyền, các hội, đoàn thể dễ dàng trong việc giám sát, quản lý, công khai đầy đủ các thông tin tính dụng chính sách như: dư nợ, nợ quá hạn, nợ được xử lý rủi ro...

Nhờ được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư nuôi bò, nhiều hộ dân ở huyện Thuận Bắc đã vươn lên thoát nghèo.

Trong giai đoạn 2010-2020, nguồn vốn tính dụng CSXH đã góp phần vào công tác giảm nghèo ở địa phương. Nguồn vốn đã thu hút và tạo việc làm cho 14.000 lượt lao động, trong đó có 29 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 3.000 lượt sinh viên, học sinh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 6.000 công trình nước sạch; hỗ trợ xây dựng 982 nhà ở cho hộ nghèo. Điều đáng ghi nhận, vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung, hướng đến địa bàn vùng sâu vùng xa, các xã miền núi khó khăn như: Phước Kháng, Phước Chiến... Trong 10 năm qua, tổng dư nợ cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số hơn 200 tỷ đồng, với trên 5.400 lượt hộ vay. Nhiều hộ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Điển hình như gia đình chị Thị Bét, thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn) thuộc hộ nghèo. Năm 2016, chị đã mạnh dạn vay số tiền 40 triệu đồng, cùng với số vốn tích góp có được, chị mua 2 con bò sinh sản và 10 con cừu về chăn nuôi. Nhờ chăm sóc tốt, chỉ sau 3 năm, cặp bò của chị đã sinh sản được 2 con bê, đàn cừu cũng phát triển trên 50 con. Chị bán cừu, bò, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, huyện đã thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách do Ngân hàng CSXH huyện quản lý đã giải ngân cho 45.000 lượt hộ nghèo và các hộ thuộc diện chính sách vay, với tổng số tiền 407 tỷ đồng, đã giúp 1.000 hộ thoát nghèo; 457 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn có kinh phí học tập; xây dựng hơn 2.800 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ 266 nhà ở cho hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”... Tổng dư nợ trong 15 chương trình tín dụng ưu đãi đang thực hiện tại huyện đạt 258 tỷ đồng, với trên 6.600 lượt hộ đang vay vốn, tăng 143,4% so với năm 2014.

Thực tế cho thấy, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; tạo điều kiện cho các hộ nghèo có vốn sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giúp hộ vay thoát nghèo, vươn lên khá giàu, giảm tỷ lệ thất nghiệp; tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm giảm từ 4-5%;...