Tỉnh ta có điều kiện khí hậu thích hợp với các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù như nho, táo, tỏi, măng tây xanh, cừu, dê... Hướng tới phát triển sản xuất hàng hóa, thời gian qua, tỉnh đã xây dựng quy hoạch các vùng cây trồng tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Từ việc ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã thu hút được nhiều tổ chức, cá nhân liên kết với nông dân sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm đặc thù theo chuỗi giá trị. Nhiều mô hình có hiệu quả như mô hình cánh đồng lớn canh tác theo quy trình VietGAP được nhân rộng đã nâng cao giá trị đơn vị diện tích từ 60 - 100 triệu đồng/ha/năm trước đây lên 200-300 triệu đồng/ha/năm hiện nay.
Huyện Ninh Phước dự kiến phát triển sản phẩm trà măng tây xanh là sản phẩm OCOP
Tuy vậy, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiệu quả kinh tế đem lại từ các mặt hàng nông sản đặc thù vẫn chưa cao. Đề án “Chương trình OCOP” là chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, việc tổ chức thực hiện tốt kỳ vọng sẽ khắc phục được những hạn chế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Đây là đề án khoa học, được các nhà chuyên môn, ngành chức năng dày công xây dựng, đề ra lộ trình thực hiện cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2018-2020 áp dụng đồng bộ các chính sách để triển khai, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 11 trong 12 sản phẩn đặc thù đã được công nhận. Trong đó, nâng cao giá trị từ 3- 5 sản phẩm OCOP có chất lượng cao, đạt chuẩn từ 3-5 sao (dự kiến nho, táo, tỏi, măng tây xanh, thổ cẩm Mỹ Nghiệp), các sản phẩm này tham gia vào đánh giá tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Đào tạo tập huấn cho 100% các bộ quản lý chương trình, lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP. Thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP Ninh Thuận. Triển khai phát triển 2 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch. Giai đoạn 2021-2030, củng cố các thành quả đã đạt được, đưa chương trình đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Thực hiện nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu tập thể và xúc tiến thương mại cho sản phẩm tiềm năng chưa được cấp bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Triển khai thực hiện Làng văn hóa du lịch kết hợp phát triển các làng nghề gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, nước mắm Cà Ná; phát triển các điểm du lịch sinh thái, như: Du lịch tham quan vườn nho Thái An, Phước Thuận, Mỹ Sơn, vườn cây ăn trái Lâm Sơn…
Cơ sở nước mắm Tư Tâm (Cà Ná) bảo đảm an toàn chất lượng, được khách hàng tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thực hiện các nội dung của Đề án “Chương trình OCOP”, từ đầu năm đến nay các thành viên Ban Chỉ đạo phát triển các sản phẩm đặc thù tỉnh đã chủ động triển khai nhiều nội dung hỗ trợ, như: Hỗ trợ xác lập văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ; ứng dụng tem điện tử thông minh; đổi mới công nghệ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi; xúc tiến thương mại, giới thiệu bán hàng tại các Hội chợ thương mại OCOP của cả nước, kết nối đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, thực hiện các đề tài nghiên cứu, ứng dụng, nhân rộng mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hành sản xuất tốt (VietGAP) đối với các sản phẩm đặc thù của địa phương. Một số huyện đã phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh giới thiệu Chương trình OCOP thông qua các lớp tập huấn cho cán bộ cơ sở trong năm 2019. Riêng huyện Ninh Sơn đã tổ chức thành công Lễ công bố Nhãn hiệu trái cây Ninh Sơn và khai mạc mùa du lịch vườn trái cây thu hút nhiều du khách đến tham quan.
Kết quả bước đầu thực hiện “Chương trình OCOP” là đáng ghi nhận, tuy nhiên do chưa được bố trí kinh phí nên một số nhiệm vụ phát triển tiêu chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm chưa triển khai được. Đồng chí Phan Quang Thựu, cho hay: Để thực hiện các nội dung theo đề án, tổng vốn ngân sách nhà nước được phê duyệt trong năm 2019 hơn 3,9 tỷ đồng; trong đó, vốn 2 chương trình mục tiêu quốc gia 2,9 tỷ đồng, vốn sự nghiệp khoa học công nghệ 1 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa được bố trí. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với UBND tỉnh trong trường hợp năm 2020 nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo Trung ương chưa bố trí kịp, thì xem xét được sử dụng số tiền khoảng 2 tỷ đồng từ nguồn kinh phí cơ cấu lại Ngành nông nghiệp để thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như tuyên truyền “Chương trình OCOP” tới các cộng đồng, hỗ trợ phát triển, tham gia hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.
Anh Tùng