* Bạn đọc hỏi: Xin đồng chí cho biết thực trạng công tác quản lý hồ thủy lợi của tỉnh ta hiện nay khi chuẩn bị bước vào mùa mưa lũ?
- Đồng chí Đặng Kim Cương: Hiện nay toàn tỉnh có 21 hồ thủy lợi đang vận hành, với tổng dung tích 194,49 triệu m3 (đến ngày 30-9, tổng dung tích các hồ chứa 119,26 triệu m3). Công tác vận hành 21 hồ chứa nước tuân thủ theo quy trình vận hành điều tiết do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh phê duyệt. Qua quá trình khai thác sử dụng hầu hết các đập, hồ chứa đều hoạt động bình thường, an toàn trong quá trình sử dụng.
Nhìn lại năm 2018, tình hình thời tiết tỉnh ta diễn biến phức tạp, đầu và giữa năm xảy ra tình trạng hạn hán, cuối năm lại chịu ảnh hưởng của mưa bão, nhưng với sự chủ động ứng phó với thiên tai nên công tác phòng, chống tiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) đạt kết quả tốt, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, mưa lũ năm 2018 cũng đã làm sạt lở hư hỏng 65 hạng mục công trình của các hồ thủy lợi, ước kinh phí thiệt hại do mưa lũ hơn 8,8 tỷ đồng.
Hồ Cho Mo xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Văn Nỷ
Để chủ động ứng phó với thiên tai, nhất là mùa mưa lũ năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục các hạng mục công trình hư hỏng có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm 2019. Đối với các hồ chứa đang thi công sửa chữa, nâng cấp có giải pháp thi công phù hợp, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tuyệt đối không triển khai các hạng mục không đáp ứng tiến độ thi công giai đoạn mưa lũ tập trung. Về phía ngành cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động triển khai sửa chữa các hạng mục công trình hồ chứa bị thiệt hại, hư hỏng do thiên tai gây ra, đảm bảo an toàn các hồ thủy lợi trước khi bước vào mùa mưa lũ năm 2019.
* Bạn đọc hỏi: Xin đồng chí cho biết công tác chuẩn bị và công tác vận hành xả lũ như thế nào?
- Đồng chí Đặng Kim Cương: Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, trong năm 2019, bão và áp thấp nhiệt đới xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh; mưa lớn tập trung từ tháng 11-2019 trở đi và có khả năng xảy ra từ 2 đến 3 đợt lũ vượt báo động cấp III trên các sông suối địa bàn tỉnh. Để chủ động ứng phó trước mùa mưa lũ năm 2019, Ban Chỉ huy PCTT&và TKCN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3585/KH-PCTT về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2019, giao Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp, các ngành bám sát kế hoạch chỉ đạo của tỉnh để triên khai các phương án ứng phó hiệu quả. Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh cũng kiện toàn và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn, lĩnh vực.
Đối với các hồ chứa nước đang vận hành, Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức lập và trình UBND tỉnh phê duyệt các phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước; phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp. Lập đoàn công tác tiến hành kiểm tra tình hình an toàn các công trình thủy lợi, đánh giá công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, lên phương án phòng chống lũ, bão chi tiết, cụ thể cho từng hồ chứa. Tuyên truyền phổ biến đến người dân về quy trình vận hành và các phương án phòng chống thiên tai mưa lũ tại các hồ đập, nhằm đảm bảo an toàn công trình, an toàn tính mạng của nhân dân, giảm thiểu thiệt hại về tài sản, ổn định sản xuất. Đồng thời rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người, công trình và tài sản khi các hồ chứa xả lũ, bao gồm: hệ thống đê điều, công trình đang thi công, phương tiện vận tải thủy, hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất kinh doanh, canh tác nông nghiệp…
Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi kiểm tra các bộ phận quản lý trực tiếp trực thuộc Công ty thực hiện nghiêm việc bảo dưỡng và vận hành thử tất cả các thiết bị xả lũ. Vận hành trong trường hợp điện lưới và chạy máy phát điện. Kiểm tra dự trữ nhiên liệu dự phòng cho các thiết bị vận hành hay máy phát điện. Kiểm tra rà soát lại tình hình vùng hạ du, các hạng mục công trình tiêu thoát lũ. Trong mùa lũ, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết lũ, việc vận hành tích nước, xã lũ phải ưu tiên đảm bảo an toàn đập, thực hiện điều tiết, cắt giảm lũ và tích trữ nước hồ theo đúng quy trình vận hành của hồ chứa.
Trước khi xả lũ các hồ chứa, thực hiện Thông báo đến các Ban chỉ huy PCTT&TKCN cho vùng hạ du các cấp huyện, xã chịu ảnh hưởng trực tiếp khi xả lũ trước 6 tiếng, nhằm đảm bảo an toàn cho người và tài sản, thực hiện đúng, đủ nội dung trong Quy chế phối hợp đã đề ra tại các hồ chứa. Riêng hồ chứa nước Lanh Ra, xã Phước Vinh (Ninh Phước) và hồ Sông Sắt, xã Phước Đại (Bác Ái) đã lắp đặt còi báo động trước khi xã lũ hồ chứa, tín hiệu còi được thực hiện như sau: Trước khi xả lũ, kéo 3 hồi còi liên tiếp mỗi hồi 50 giây, giãn cách 5 giây; Hết xả lũ tín hiệu còi thực hiện bằng 1 hồi còi dài 60 giây; Hàng tháng thực hiện thử còi 1 lần vào lúc 16h30 vào ngày cuối tháng tín hiệu còi là một hồi 30 giây. Thực hiện chế độ báo cáo và thông tin liên lạc đầy đủ, kịp thời theo như nội dung Quy chế phối hợp giữa BCH PCTT&TKCN cho vùng hạ du và BCH PCTT&TKCN các huyện, xã nơi có hồ chứa đã phối hợp.
Ngoài ra, để xử lý các tình huống xấu, khẩn cấp có thể xảy ra khi mưa lũ, bên cạnh căn cứ vào các phương án bảo vệ an toàn đập, Ban chỉ huy PCTT& TKCN tỉnh cũng đã giao Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi chuẩn bị đầy đủ các vật tư, thiết bị thiết yếu phục vụ công tác phòng chống lụt, bão tại các hồ chứa nước; các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng tham gia xử lý, khắc phục sự cố và di dân vùng hạ lưu các hồ chứa nước. Đồng thời điều động, tăng cường lực lượng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Lữ Đoàn Đặc công 5, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Trung đoàn Không quân 937... ứng phó với các tình huống xấu xảy ra, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân.
Xuân Bính