Nhìn chung, các doanh nghiệp đã phát huy vai trò chủ đạo trong kinh tế nhà nước ở địa phương, góp phần vào thu ngân sách tỉnh. Riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ninh Sơn và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến (công ty lâm nghiệp) sau khi chuyển đổi từ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh sang hoạt động công ích còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cần sớm tháo gỡ.
Hoạt động tuần tra bảo vệ rừng của Tổ cộng đồng nhận rừng khoán quản ở NInh Sơn.
Thực hiện Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17-12-2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm sản, tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành cơ cấu lại 2 công ty lâm nghiệp, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV, Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Sau khi sắp xếp lại, 2 công ty đã thực hiện hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cắm mốc ranh giới sử dụng đất vào cuối năm 2018. Thế nhưng, quá trình triển khai kế hoạch sản xuất bị vướng do có những quy định liên quan đến công tác phát triển rừng.
Theo Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 11-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên, thì giai đoạn 2014-2020 phải đóng cửa rừng, do đó nhiệm vụ sản xuất từ nguồn thu khai thác gỗ chính phẩm tự nhiên của 2 công ty không thực hiện được. Trong khi đó, nhiệm vụ kinh doanh cây giống, trồng rừng sản xuất cung ứng nguyên liệu thực hiện không ổn định, nguồn thu từ các hoạt động này thấp. Theo lý giải của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân của hạn chế là do đất rừng và rừng của 2 công ty được giao quản lý chủ yếu là diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên, nên quỹ đất để đầu tư trồng rừng nguyên liệu không đáng kể. Những năm qua, được sự cho phép của UBND tỉnh, 2 công ty liên kết với các doanh nghiệp tư nhân để trồng rừng sản xuất, nhưng do diều kiện nông hóa thổ nhưỡng nghèo, đất trồng rừng của 2 công ty quản lý đồi đá khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, lượng mưa thấp, nên năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế đầu tư trồng rừng thấp so với các tỉnh khác có điệu kiện tự nhiên thuận lợi hơn.
Do các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính gặp khó khăn, nên doanh thu hàng năm của 2 công ty thấp. Từ năm 2014 đến nay, kinh phí duy trì hoạt động của 2 công ty chủ yếu từ nguồn kinh phí đặt hàng quản lý bảo vệ rừng do Nhà nước hỗ trợ với mức 200 ngàn đồng/ha/năm, chỉ đủ chi mức lương cơ sở cho cán bộ, công nhân viên và người lao động. Đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông, đề xuất: Sản phẩm lâm nghiệp, nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng có tính đặc thù, nên Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương cần nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là cơ chế tài chính để giúp 2 công ty phát triển, tạo chuyển biến cơ bản, ổn định trong quản lý, quản trị kinh doanh sau khi sắp xếp, tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiện theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, ban hành chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ, công nhân viên, người lao động công tác trong ngành lâm nghiệp. Xem xét nâng mức hỗ trợ đặt hàng giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng phòng hộ và rừng sản xuất từ 200 ngàn đồng/ha/năm hiện nay lên 300 ngàn đồng để thực hiện chế độ chi lương theo mức tối thiểu vùng doanh nghiệp, chế độ làm thêm giờ và các chế độ phúc lợi khác theo quy định cho cán bộ, công nhân viên, người lao động.
Anh Tùng