Nếu như trước đây, kinh tế gia đình của chị Chamaléa Thị Diếm, ở thôn Đá Mài Dưới chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy, vì thuộc vùng đất khô cằn, thiếu nước nên sản xuất kém hiệu quả. Năm 2009, được Hội Phụ nữ xã tạo điều kiện vay vốn 7 triệu đồng cùng với số tiền tích cóp, chị mua 2 con bò về nuôi sinh sản và trồng thêm 2,5 sào lúa nước, thông qua kiến thức tiếp thu từ các lớp tập huấn, chị áp dụng khoa học-kỹ thuật trong sản xuất cho hiệu quả, năng suất lúa đạt trên 4 tạ/sào, đàn bò tăng lên 12 con. Vừa qua, chị tuyển bán bớt 4 con và số dư từ thu hoạch lúa, chị Diếm tiếp tục đầu tư cải tạo lại đất, trồng xen canh 8 sào bắp và đậu xanh; thu nhập ổn định từ trồng trọt và chăn nuôi, giúp gia đình chị xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo của xã, cuộc sống ngày càng cải thiện đáng kể.
Thu nhập ổn định từ trồng trọt và chăn nuôi đã giúp gia đình chị Chamaléa Thị Diếm thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Rời thôn Đá Mài Dưới, chúng tôi đến thăm gia đình chị Pôpô Liên, ở thôn Đá Liệt. Mặc dù năm nay mới hơn 35 tuổi, nhưng chị đã là chủ sở hữu một ngôi nhà khang trang với đầy đủ tiện nghi, các con được ăn học đàng hoàng. Có được thành quả như ngày hôm nay là sự nỗ lực quyết tâm thoát nghèo của hai vợ chồng chị. Chị Liên chia sẻ: Bắt đầu khởi nghiệp, gia đình chị có 1 ha đất rẫy, nhờ tạo điều kiện vay vốn 12 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tận dụng nguồn nước từ công trình hồ thủy lợi Bà Râu, tôi đào một con mương dẫn nước trữ vào ao để phục vụ sản xuất, khai hoang, mở rộng diện tích lên 1,5 ha trồng bắp, chuối và cỏ chăn nuôi. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình đã thoát nghèo, trả hết nợ cho ngân hàng. Năm 2015, chị tiếp tục vay 20 triệu đồng dành cho hộ mới thoát nghèo để tái đầu tư phát triển chăn nuôi; tới nay chị đã sở hữu 8 con bò, 3 con dê, 2 con heo đen sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 70 triệu đồng.
Chị Chamaléa Thị Diếm và Pôpô Liên chỉ là hai trong số hộ tiêu biểu tại địa phương nỗ lực, vượt khó thoát nghèo từ sản xuất nông nghiệp; nhiều gia đình còn mạnh dạn đi xuất khẩu lao động, mở rộng hoạt động kinh doanh, buôn bán. Nhờ đó, có thêm điều kiện cải thiện đời sống, xây dựng nhà cửa kiên cố, mua sắm thiết bị tiện nghi phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt.
Đồng chí Chamaléa Hiêu, Chủ tịch UBND xã Phước Kháng, nhìn nhận: Do là xã miền núi, gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất rừng và đồi núi, nên vấn đề giảm nghèo là trở ngại lớn đối với địa phương. Tuy nhiên, trong những năm qua, bên cạnh ý thức nỗ lực thoát nghèo của mỗi gia đình, chính là việc quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ các nguồn lực để địa phương xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, nên tỷ lệ giảm nghèo có những chuyển biến nhất định. Chỉ tính riêng trong năm 2018, toàn xã có 25 hộ thoát nghèo. Phát huy những kết quả đạt được, địa phương tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo cho các hội, đoàn thể tìm hiểu, nắm rõ nguyên nhân, tình trạng hộ nghèo; trên cơ sở đó, dựa trên nguồn lực phân bổ của cấp trên, đầu tư hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng; rà soát, hướng dẫn người dân lựa chọn cây trồng, vật nuôi thích nghi tốt với đặc điểm ở từng khu vực; đồng thời, phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện mở lớp đào tạo việc làm, xuất khẩu lao động… Phấn đấu tỷ lệ giảm nghèo mỗi năm đạt từ 4-5%.
Hồng Lâm