Huyện Bác Ái là một trong 61 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện có 9 xã, 38 thôn, với 7.372 hộ, 31.353 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam được Chính phủ giao nhiệm vụ hỗ trợ huyện Bác Ái thực hiện các chương trình giảm nghèo. Trên cơ sở nguồn kinh phí được hỗ trợ, từ năm 2008 đến nay, huyện Bác Ái đã triển khai 8 chương trình đối với 12 dự án, tổng kinh phí trên 30,6 tỷ đồng.
Nông dân xã Phước Trung phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi dê sinh sản. Ảnh: Tiến Mạnh
Một trong những chương trình có ý nghĩa thiết thực, nhằm chăm sóc sức khỏe người dân, đó là xây dựng trạm y tế xã. Qua lựa chọn hạng mục đầu tư, huyện Bác Ái đã xây dựng 3 trạm y tế xã: Phước Chính, Phước Trung và Phước Thành với tổng kinh phí đầu tư gần 8 tỷ đồng, theo quy mô chuẩn quốc gia về y tế. Từ kết cấu hạ tầng được đảm bảo, đủ điều kiện để các bác sĩ khi bố trí về địa phương thực hiện khám chữa bệnh cho hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm, góp phần giảm tải cho y tế tuyến huyện và giúp cho các xã dần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Vinataba Việt Nam đã hỗ trợ 9,6 tỷ đồng để xây dựng 120 căn nhà tình nghĩa cho người có công và 1.993 căn nhà 167 cho hộ nghèo, giúp các hộ dân có điều kiện ổn định về nơi ở, an tâm sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống. Cùng với hỗ trợ xây dựng công trình y tế, nhà ở, Vinataba Việt Nam đã đầu tư xây dựng hệ thống công trình giáo dục tại Trường Dân tộc Bán trú Tiểu học Phước Thành B, bao gồm 6 phòng học, 2 lầu, nhà hiệu bộ, nhà ăn, ở bán trú và khu vệ sinh cho học sinh, với tổng kinh phí trên 10,4 tỷ đồng. Đây là công trình đầu tư khép kín theo hướng đạt chuẩn quốc gia; từ đầu năm học này đã được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn vùng sâu, vùng còn gặp nhiều khó khăn như xã Phước Thành.
Không chỉ hỗ trợ về công trình, Vinataba Việt Nam còn hỗ trợ phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất. Chương trình nuôi bò, dê sinh sản đã phát huy thế mạnh và phù hợp với điều kiện chăn thả của người dân địa phương. Chương trình nuôi được triển khai tại các xã Phước Thắng, Phước Trung với tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, đã hỗ trợ con giống cho các hộ dân nuôi “rẽ” tăng thu nhập. Đến nay đàn dê và bò đều phát triển, sinh sản tốt và không ngừng tăng tổng đàn. Hiện các địa phương đang tiếp tục luân chuyển con giống cho các hộ nghèo khác tiếp tục tham gia. Mô hình trồng lúa nước tại thôn Ma Ty, xã Phước Tân với kinh phí hỗ trợ 250 triệu đồng, đã hỗ trợ 34 hộ dân chuyển từ sản xuất lúa rẫy sang trồng lúa nước định canh lâu dài trên diện tích 8,3 ha, cho năng suất cao. Qua đó, đã giúp 28/43 hộ tham gia thoát nghèo và 13 hộ khác từ hộ nghèo đã chuyển sang diện cận nghèo. Chương trình khôi phục làng nghề đan mây tre truyền thống thôn Suối Rua, xã Phước Tiến cũng đã hỗ trợ 500 triệu đồng, đầu tư trang bị máy móc và dụng cụ sản xuất, giúp 36 hộ nghèo làng nghề nâng cao hiệu quả sản xuất, duy trì phát triển làng nghề và tạo ra các sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại địa phương.
Đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái cho biết: Qua 10 năm triển khai các chính sách giảm nghèo trên địa bàn do Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam tài trợ cho huyện Bác Ái đã góp phần tạo chuyển biến rõ nét, tình hình kinh tế-xã hội của địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%, đời sống của người dân ngày một ổn định, tỷ lệ hộ nghèo trung bình hàng năm giảm trên 8%.
Để tiếp tục thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ giảm nghèo trong những năm tiếp theo, huyện Bác Ái đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp, sát với thực tế của địa phương và lộ trình đề án giảm nghèo. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận để người dân tích cực tham gia có hiệu quả. Trên cơ sở đó, rà soát các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, xác định nhu cầu đầu tư, ưu tiên hỗ trợ nhân rộng các mô hình. Trong năm 2019, chú trọng thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp như nuôi bò sinh sản, nuôi heo đen địa phương và phát triển mô hình trồng bưởi da xanh gắn với xây dựng thương hiệu ở xã Phước Bình; tiếp tục hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình trường học đạt chuẩn quốc gia. Trên tình thần đó, huyện cũng đề xuất Vinataba Việt Nam tiếp tục quan tâm, duy trì và tăng mức hỗ trợ hàng năm, nhằm hỗ trợ huyện thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Anh Tuấn