Nhìn lại công tác chuyển đổi cây trồng gần đây có điểm mới là các địa phương thực hiện tốt những chính sách, chủ trương của tỉnh về chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả, phát triển vùng sản xuất tập trung, gắn với mô hình cánh đồng lớn, có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Ninh Phước được tỉnh biểu dương là địa phương làm tốt công tác này, với việc quy hoạch vùng chuyển đổi bền vững, đưa vào canh tác các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: Nho, táo, măng tây xanh. Chỉ tính riêng vụ hè - thu 2019, diện tích chuyển đổi cây trồng đạt hơn 124 ha; trong đó, 22,2 ha măng tây xanh, 6,3 ha cây ăn quả các loại.
Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến, xã An Hải (Ninh Phước) ươm giống cây măng tây xanh
cung cấp cho nông dân thực hiện Chương trình chuyển đổi cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.
Công tác chuyển đổi cây trồng của các địa phương được đánh giá là có sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế ở từng khu vực, tình hình nước tưới ở các hồ chứa, gắn với triển khai các giải pháp mùa vụ, công thức luân canh hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong nông dân. Từ những khó khăn về nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, vụ đông - xuân 2018-2019, huyện Bác Ái triển khai mô hình thí điểm chuyển 12 ha đất lúa tại khu tưới hồ Phước Nhơn (xã Phước Trung) sang trồng bắp, cho lợi nhuận cao gấp 3 lần so với trồng lúa trước đây. Mô hình tiếp tục được duy trì và nhân rộng trong vụ hè - thu ở tầm cao hơn, có sự liên kết với Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nha Hố thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học “Phục tráng và phát triển giống bắp địa phương” nhằm đáp ứng nhu cầu về giống phục vụ Chương trình chuyển đổi cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn.
Trước đây, công tác chuyển đổi cây trồng ở các khu vực có hồ chứa nhỏ, như: Hồ Phước Trung, Bà Râu, Ông Kinh, Thành Sơn, Tà Ranh, Bàu Zôn, Suối Lớn, Bàu Ngứ gặp khó khăn do tập quán canh tác cây lúa ăn sâu vào tiềm thức của nông dân. Từ vụ đông - xuân 2018- 2019 đến nay, tình hình đã được cải thiện đáng kể, các địa phương chủ động rà soát, xác định quy mô, đối tượng cây trồng chuyển đổi, triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ giống mới, đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm nước theo Quyết định số 65/2017/QĐ-UBND ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh nên đã khuyến khích được nông dân tích cực thực hiện chương trình. Những lo ngại của nông dân về tiếp cận kỹ thuật canh tác các loại cây trồng cạn, đầu ra sản phẩm cũng đã được tháo gỡ. Huyện Thuận Bắc chỉ đạo xã Lợi Hải thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ động liên kết với doanh nghiệp để ứng giống, vật tư nông nghiệp, ký hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân nhằm đảm bảo công tác chuyển đổi cây trông duy trì lâu dài, ổn định. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện chuyển đổi được 161,55 ha cây trồng cạn; trong đó, cây ngắn ngày 141,8 ha, cây dài ngày 19,75 ha. Các huyện Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Nam cũng có cách làm tương tự, tạo thành phong trào thi đua nhân rộng các mô hình sản xuất mới ứng dụng khoa học kỹ thuật có sức lan tỏa sâu rộng.
Đồng chí Phan Quang Thựu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Theo kế hoạch, vụ mùa 2019 toàn tỉnh chuyển đổi cây trồng ít nhất 80 ha. Để hoàn thành mục tiêu chuyển đổi theo hướng bền vững, đơn vị đề nghị các huyện sớm triển khai kế hoạch sản xuất tại những vùng có hồ chứa dung tích nhỏ, năng lực tưới không đáp ứng nhu cầu, bố trí các loại cây dài ngày có giá trị kinh tế cao, cây ngắn ngày luân canh bền vững, phù hợp với thổ nhưỡng, có khả năng tổ chức liên kết với doanh nghiệp. Tăng cường công tác hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng và nhân rộng các mô hình phù hợp với điều kiện hạn hán, như: Mô hình tưới tiết kiệm nước; mô hình xen canh, luân canh, áp dụng quy trình sản xuất VietGAP đối với một số cây trồng đặc thù, như: Nho, táo, măng tây xanh.
Anh Tùng