Theo đó, cơ quan chuyên môn huyện nhận định đàn heo có các triệu trưng đặc trưng của dịch tả lợn Châu Phi. Lập tức được Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh lấy mẫu, gửi xét nghiệm và cho kết quả xác định dương tính với vi rút dịch tả heo Châu Phi. Để ngăn chặn dịch lây lan, lực lượng chức năng đã tiến hành rải vôi, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy 69 con heo, trong đó: heo con đến 28 ngày tuổi 5 con, heo trên 28 ngày tuổi 27 con, heo nái sinh sản 15 con và 2 con heo đực giống. Nhận định nguyên nhân gây bệnh ban đầu có thể là do nguồn thức ăn nuôi heo được bà Phượng mua tại huyện Ninh Sơn. Đây là ổ dịch đầu tiên được phát hiện và công bố dịch từ ngày 11-9-2019 tại huyện Bác Ái và là ổ dịch thứ 3 xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta.
Rải vôi để tiêu độc khử trùng tại hộ chăn nuôi xã Phước Thắng (Bác Ái). Ảnh: P.Bình
Ngay sau khi công bố dịch, đồng chí Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái đã tập trung chỉ đạo ứng phó với bệnh dịch tả lợn Châu Phi và xem đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, hết sức cấp bách, khẩn trương. Đồng chí yêu cầu UBND xã Phước Thắng phối hợp với Trạm Chăn nuôi và Thú y, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, triển khai ngay các biện pháp tiêu hủy, khoanh vùng, tiêu độc khử trùng và kiểm đếm, hướng dẫn các biện pháp hỗ trợ, không để dịch phát tán ra bên ngoài, thực hiện phương châm “Bốn tại chỗ”, huy động lực lượng, các ngành chức năng tổ chức tiêu hủy, khoanh vùng dâp dịch.
Ngoài ra, huyện Bác Ái yêu cầu UBND các xã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân tránh tư tưởng chủ quan và nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng dịch tả heo Châu Phi; chủ động rà soát và đảm bảo lực lượng tham gia tiêu hủy, dập dịch. UBND huyện đề ra các biện pháp chống dịch như: tại vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm và các xã còn lại trong vòng 48 giờ việc tiêu hủy được áp dụng khi có kết quả xét nghiệm mà không cần có thông báo chính thức nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lây lan diện rộng. Đồng thời, tổ chức lực lượng liên ngành tại xã để kiểm soát thường xuyên xe bán hàng rong, các điểm buôn bán sản phẩm động vật, thịt heo không rõ nguồn gốc; vận chuyển heo từ vùng dịch ra ngoài địa bàn. Đối với vùng dịch (xã Phước Thắng) khẩn trương triển khai các biện pháp vệ sinh, tiêu độc khử trùng 1 lần/ngày trong tuần đầu tiên và 2-3 lần/tuần trong các tuần tiếp theo; hỗ trợ và triển khai tiêu độc, vệ sinh nguồn nước tại các ao hồ. Đối với vùng bị dịch uy hiếp (các xã Phước Đại, Phước Tiến và Phước Chính) cần triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng 2 ngày/lần trong tuần đầu tiên và 2-3 lần trong các tuần tiếp theo. Đối với các xã vùng đệm và các xã còn lại phải nghiêm túc thực hiện các nội dung Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng Đợt 5 năm 2019 và các đợt tiếp theo.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh động vật và chăn nuôi an toàn sinh học; không nuôi heo thả rong và tiêm phòng đầy đủ các loại dịch bệnh thường gây bệnh trên đàn heo; thực hiện “5 không” (không dấu dịch; không mua, bán heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, thịt heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho heo ăn mà chưa qua xử lý nhiệt); đặc biệt, kịp thời báo cáo đến cơ quan chức năng khi phát hiện heo có dấu hiệu nghi vấn nhiễm bệnh.
Phan Bình