Tuy nhiên, từ ngày 28-8 (phát hiện ổ bệnh DTLCP đầu tiên ở Ninh Thuận) đến ngày 10-9, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 8 hộ chăn nuôi thuộc 4 xã, thị trấn của huyện Ninh Sơn, Thuận bắc, với số lượng lợn bệnh, chết buộc tiêu hũy 183 con, với trọng lượng 18.613 kg. Hiện nay, thời tiết trong tỉnh mưa nhiều, khí hậu ẩm ướt là điều kiện tốt cho các mầm bệnh phát sinh và gây bệnh cho gia súc, gia cầm có sức đề kháng suy giảm và hàng ngày có khoảng 50 xe chở hơn 8.000 con lợn trên tuyến Quốc lộ 1A quá cảnh qua địa bàn tỉnh, cho thấy nguy cơ bệnh DTLCP lây lan trên diện rộng trên địa bàn tỉnh hiện nay là rất cao.
Người dân huyện Ninh Sơn tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi heo. Ảnh: P.Bình
Để phòng, chống hiệu quả dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt là hạn chế sự lây lan, phát tán bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường trên toàn tỉnh (đợt 5), bắt đầu thực hiện từ ngày 16-9 đến hết ngày 16-10.
Theo đó toàn tỉnh sẽ thực hiện đợt tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng đồng bộ, toàn diện, tập trung với tần xuất cao nhằm tiêu diệt mầm bệnh truyền nhiễm trong môi trường; đặc biệt là tiêu diệt virut gây bệnh DTLCP. Hạn chế và ngăn chặn sự phát sinh, bùng phát và lây lan dịch bệnh động vật, nhất là bệnh DTLCP; ngăn ngừa bệnh lây cho người, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường và an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi.
UBND tỉnh yêu cầu tổ chức thực hiện Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường phải có sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh từ tỉnh đến cơ sở; sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Tổ chức phun xịt hóa chất, rãi vôi tiêu độc, khử trùng có trọng điểm, những nơi có nguy cơ phát sinh dịch bệnh; trước khi phun hóa chất sát trùng, rãi vôi phải làm sạch đối tượng tiêu độc, khử trùng bằng biện pháp cơ học (phát quang, quét dọn, cạo, cọ rửa…). Cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, gia súc, gia cầm và phương tiện, dụng cụ trong quá trình tiêu độc, khử trùng. Đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm cần phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh khu vực chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh; định kỳ rãi vôi bột đường đi, lối ra vào và xung quanh chuồng nuôi; phun thuốc sát trùng toàn bộ chuồng trại, dụng cụ, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận mỗi tuần 2 lần. Đối với hộ chăn nuôi, cần nhốt gia súc, nhất là heo nuôi thả rong; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn; rãi vôi, phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm và vùng phụ cận mỗi tuần 2 lần. Đối với cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, cần phải được vệ sinh sạch sẽ, thường xuyên phun thuốc tiêu độc, khử trùng; phương tiện dụng cụ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ. Đối với chợ buôn bán gia súc, gia cầm cần quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực bán gia súc, gia cầm và các vật dụng liên quan sau mỗi buổi chợ; phương tiện, dụng cụ vận chuyển, lồng nhốt động vật phải được phun, khử trùng khi ra vào chợ. Các địa phương cần phát động toàn dân thực hiện tốt đợt tổng vệ sinh đường làng ngõ, xóm, đường phố; khơi thông cống rãnh; phát quang bụi rậm; rãi vôi, phun thuốc tiêu độc, khử trùng mỗi tuần 2 lần.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo Chi cục Thú y cấp thuốc sát trùng; hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương. Các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường tuyên truyền đưa thông tin kịp thời đến cơ sở để Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường trên địa bàn tỉnh được tổ chức thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Nhật Nguyên