Các địa phương linh hoạt sản xuất vụ mùa ứng phó với thời tiết

Sản xuất vụ mùa luôn đối diện với những khó khăn do đầu vụ thiếu nước tưới, cuối vụ thường bị ngập úng. Mặc dù hiện nay lượng nước ở 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 94 triệu/194,49 triệu m3) nhưng nếu không tiếp tục có mưa thì nguy cơ thiếu nước sản xuất vẫn xảy ra.

Trước diễn biến của thời tiết khó lường, ngành Nông nghiệp xây dựng 3 phương án sản xuất vụ mùa (Phương án 1: Trong tháng 9 không có mưa, tổng diện tích gieo trồng hơn 13.000 ha; trong đó, lúa 5.210 ha. Phương án 2: có mưa nhỏ, diện tích gieo trồng hơn 21.636 ha; trong đó, lúa 11.741 ha. Phương án 3: mưa trên diện rộng, tổng diện tích gieo trồng 27.790 ha; trong đó, lúa 16.342 ha), tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố áp dụng linh hoạt vào tình hình thực tế ở địa phương mình. Đến nay, các địa phương đã lên kế hoạch sản xuất cụ thể cho từng vùng, thực hiện đảm bảo đúng theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh là không mở rộng diện tích đất lúa, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn, nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nông dân huyện Ninh Phước thực hiện khâu làm đất chuẩn bị xuống giống lúa vụ mùa.

Ở huyện Bác Ái, “kịch bản” sản xuất vụ mùa đã được “chốt” ở phương án 3. Theo đó, toàn huyện gieo trồng hơn 2.216 ha cây lương thực có hạt; trong đó, lúa gần 1.000 ha. Là huyện miền núi, sản xuất nông nghiệp ở Bác Ái thường xuyên bị thiếu nước tưới, nhưng vụ này huyện chủ trương mở rộng đất canh tác, trong đó diện tích cây lúa tăng gấp 1,2 lần so với vụ cùng kỳ năm ngoái là điểm mới, thể hiện quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp. Đồng chí Võ Khánh Khang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Cơ sở để huyện chọn phương án 3 trong sản xuất vụ mùa là nhờ lượng nước ở các hồ chứa trên địa bàn lớn. Khác với các địa phương khác là chịu nắng nóng kéo dài, ở Bác Ái từ tháng 5 đến nay đều có mưa. Đặc biệt, trong tháng 5 mưa lớn liên tục 20 ngày liền, bổ sung lượng nước đáng kể cho các hồ, đập. Tại thời điểm đầu tháng 9, lượng nước ở hồ Sông Sắt đạt 52,08/69,33 triệu m3; Trà Co 6,71/10,10 triệu m3; Phước Nhơn 0,53/0,78 triệu m3, đảm bảo đủ nước tưới cho cây trồng đến cuối vụ.

Các huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, nước ở các hồ chứa đạt dưới 50% dung tích thiết kế, nên lựa chọn phương án 2 cho sản xuất vụ mùa là hợp lý. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước, cho biết: Trong trường hợp thời gian tới có mưa, huyện cũng không khuyến khích bà con mở rộng diện tích lúa để tập trung cho công tác chuyển đổi cây trồng cạn. Thực tế lúa vụ mùa thường đạt năng suất thấp, hộ trồng thu lãi mỗi sào khoảng 1,5 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với sản xuất các loại cây trồng cạn, nên giảm diện tích không ảnh hưởng đến đời sống của nông dân. Huyện đã thực hiện mô hình thí điểm ngưng sản xuất lúa vụ mùa ở khu vực hưởng lợi nước từ hồ Bàu Zôn, đến vụ này tiếp tục duy trì mở rộng. Tại cuộc họp triển khai sản xuất vụ mùa vào đầu tháng 9 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thông tin, hiện nay ở hầu hết các tỉnh khu vực Bắc miền Trung không còn tổ chức sản xuất lúa vụ mùa, cho “đất nghỉ” để sản xuất vụ đông – xuân sớm, tránh bị lệch vụ, hiệu quả lại cao. Việc Ninh Phước triển khai mô hình ngưng sản xuất lúa trong vụ mùa ở những khu vực thiếu nước tưới là điểm mới, cần sớm đánh giá hiệu quả, xây dựng kế hoạch nhân ra trên diện rộng.

Riêng nước ở các hồ chứa trên địa bàn huyện Thuận Nam và Thuận Bắc đạt thấp. Cụ thể, dung tích hồ Sông Trâu đạt 9,12/31,53 triệu m3; Tân Giang 3,88/13,39 triệu m3. Trước tình hình lượng nước ở các hồ chứa chưa được cải thiện, các huyện chọn phương án 1 cho sản xuất vụ mùa, ngưng trồng lúa ở các khu vực sử dụng nước ở những trạm bơm động lực. Đồng chí Diệp Minh Xuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Nam, cho biết: Hạn chế của nông dân trong sản xuất vụ mùa là thường xuống giống thiếu đồng loạt. Vụ mùa năm ngoái đến cuối tháng 10 vẫn có hộ tự phát gieo sạ tại những khu vực không nằm trong kế hoạch, kéo theo sản xuất vụ đông - xuân 2018 - 2019 bị trễ. Khắc phục tình trạng này, năm nay huyện chỉ đạo nông dân thu hoạch lúa vụ hè - thu đến đâu thì tiến hành cày đất gieo sạ đến đó, không để chậm lịch thời vụ.

Để đảm bảo sản xuất vụ mùa đạt hiệu quả, hiện tại các huyện, thành phố đang tập trung tuyên truyền, vận động nông dân tiếp tục nhân rộng các mô hình úng dụng khoa học kỹ thuật có hiệu quả; thực hiện gieo trồng đúng khung lịch thời vụ. Phối hợp với ngành chức năng tổ chức điều tiết nước hợp lý; tăng cường công tác chuyển đổi cây trồng để tăng năng suất, tăng thu nhập cho nông dân. Việc chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức sản xuất vụ mùa 2019 linh hoạt, ứng phó với thời tiết của ngành chức năng, các địa phương, tin tưởng sẽ thu được nhiều thắng lợi.

Anh Tùng