Người dân “quay lưng” với sản phẩm thịt heo là muốn đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình. Theo ông Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Hiện tại, người tiêu dùng vẫn chưa có được thông tin đầy đủ về DTLCP. Hơn nữa, DTLCP không lây nhiễm và gây bệnh ở người, cũng như lây lan bệnh cho các động vật khác. Bệnh DTLCP chỉ gây bệnh ở heo nhà và heo rừng với tốc độ lây lan nhanh. Bệnh lây lan trực tiếp từ heo bệnh, sản phẩm heo mang mầm bệnh sang heo chưa mắc bệnh, hoặc lây gián tiếp qua các loài vật trung gian mang mầm bệnh như ve, mòng, côn trùng gặm nhấm, chim di cư. Bên cạnh đó, việc các phương tiện vận chuyển thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người như trang phục quần áo, giầy dép cũng là một trong những tác nhân gây nên việc lây lan.
Việc buôn bán thịt heo vẫn diễn ra bình thường tại chợ Dư Khánh (Ninh Hải). Ảnh : T.Thịnh
Do thiếu thông tin chính xác về dịch bệnh nêu trên, nên người tiêu dùng cảm thấy lo lắng, bất an khi dùng sản phẩm thịt heo và nguy cơ lây lan của dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Anh, kinh doanh thịt heo tại chợ Dư Khánh, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) cho biết: Trước thông tin về DTLCP phát sinh trên địa bàn tỉnh thì việc buôn bán cũng gặp một số khó khăn do người tiêu dùng chưa tiếp cận đầy đủ thông tin về DTLCP; đồng thời, mong muốn ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám soát chặt chẽ hơn để người dân an tâm.
Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Sau khi phát hiện ổ dịch trên địa bàn Ninh Sơn, Thuận Bắc, ngành đã kiên quyết tiêu hủy số lợn được phát hiện dương tính hoặc nghi nhiễm nên sẽ không có heo bệnh được lưu hành bên ngoài. Vấn đề cần quan tâm bây giờ là triển khai mọi biện pháp để tránh lây lan dịch bệnh trên diện rộng, gây tổn thất kinh tế cho hộ chăn nuôi. Để phòng chống dịch tốt, người chăn nuôi heo cần lưu ý kiểm soát chặt chẽ nguồn con giống, trang thiết bị dụng cụ khi vào khu chăn nuôi, thường xuyên tổ chức tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi để hạn chế mầm bệnh, hạn chế việc xử dụng thức ăn thừa cho heo ăn. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y tỉnh cũng tăng cường giám sát tại các lồ mổ gia súc nhỏ lẻ và tập trung trên địa bàn tỉnh. Tại mỗi cơ sở giết mổ, đơn vị luôn cử cán bộ chuyên môn túc trực; đồng thời, tiến hành kiểm tra các thủ tục hành chính, hồ sơ, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ, giấy kiểm dịch động vật, số lượng heo nhập vào các cơ sở giết mổ, khu lưu nhốt động vật hàng ngày theo quy định. Nhắc nhở các chủ cơ sở giết mổ cần bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ heo phải rõ ràng, không có bệnh; phối hợp ngành chức năng kịp thời xử lý nếu nghi ngờ mắc bệnh, tuyệt đối không giết mổ heo bị bệnh, heo chết để cung cấp ra thị trường những sản phẩm sạch, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng.
DTLCP không lây cho người nên người tiêu dùng không quá hoang mang và “quay lưng” với sản phẩm thịt heo trên thị trường. Điều này sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh thịt heo và người chăn nuôi.
Thanh Thịnh