Mô hình nuôi sinh thái khu vực Đầm Nại được triển khai vào năm 2017 do Chi cục Thủy sản tỉnh làm chủ dự án. Qua thí điểm mô hình nuôi tôm, cua sinh thái tại các khu vực đìa trước đây nuôi tôm thương phẩm đã có kết quả khả quan. Trước thành công của mô hình, vừa qua Chi cục Thủy sản tỉnh đã tổ chức nhân rộng mô hình nuôi sinh thái đối với hộ ông Nguyễn Văn Huỳnh, xã Tân Hải (Ninh Hải) trên diện tích 2ha. Theo đó, Chi cục Thủy sản tỉnh đã hỗ trợ hộ nuôi 30 ngàn con tôm giống và hàng ngàn con cua giống được đánh bắt từ khu vực Đầm Nại. Qua kiểm tra cho thấy mô hình nuôi sinh thái đã có hiệu quả khả quan, tạo thu nhập cho bà con. Cụ thể, tôm sau hơn 3 tháng thả nuôi đã đạt kích thước 100 con/kg, cua từ 200-300g/con. Anh Huỳnh, cho biết: Sau khi thả nuôi theo mô hình sinh thái đến nay gần 3 tháng, qua kiểm tra tỷ lệ hao hụt con giống rất thấp và con giống phát triển rất tốt. Sau khi thu hoạch xong tôi sẽ tiếp tục đăng ký với Chi cục Thủy sản tỉnh thực hiện thí điểm mô hình nuôi cá dìa vì tôi thấy nuôi sinh thái rất hiệu quả.
Người dân khai thác hải sản tại khu vực Đầm Nại. Ảnh: Văn Nỷ
Mô hình nuôi sinh thái sẽ giúp bà con không tốn chi phí về mặt thức ăn. Tôm, cua được thả vào ao đìa sẽ tự tìm thức ăn có sẵn trong ao. Đối với tôm sau 3 tháng và cua là 3 tháng rưỡi thả tự nhiên thì có thể thu hoạch. Đây là mô hình hiệu quả thiết thực vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân, vừa góp phần phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn và nguồn lợi thủy sản đặc trưng của Đầm Nại. Anh Vũ Hoài Trung, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Đây là mô hình rất hiệu quả, sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị cấp trên tiến hành nhân rộng mô hình đến với bà con nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, vì thực tế qua kiểm tra đơn vị cùng các ngành liên quan đã tiến hành thu mẫu thì thấy tỷ lệ thành công của mô hình rất cao, con giống phát triển tốt trong điều kiện sinh thái tự nhiên.
Thanh Thịnh