Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, để khai thác lợi thế từng vùng, xây dựng thương hiệu cây trồng, Ninh Hải chú trọng phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
Từ khi có Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW của Tỉnh ủy, dưới sự lãnh đạo Huyện uỷ Ninh Hải, vai trò, vị trí quan trọng của kinh tế tập thể ở địa phương được xác định rõ. Các cấp ủy xã, thị trấn đã đề ra chương trình hành động, các giải pháp tổ chức thực hiện, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực. Tính đến nay, toàn huyện có 91 tổ hợp tác (THT), trong đó có 12 THT, 21 tổ cộng đồng nuôi tôm, 34 tổ đoàn kết sản xuất trên biển, 7 tổ theo nước, 16 tổ liên kết sản xuất nho và 1 tổ sản xuất nho thương phẩm. Về Hợp tác xã (HTX), trên địa bàn huyện có 10 HTX đang hoạt động, trong đó có 3 HTX nông nghiệp, 2 HTX thủy sản, 4 HTX tổng hợp và 1 HTX thương mại. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX đã liên kết với nông dân thực hiện cánh đồng lớn nâng năng suất và đem lại thu nhập cao cho các thành viên cũng như người dân, điển hình như: HTX Sản xuất và thương mại nông nghiệp An Xuân (xã Xuân Hải), HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thái An (xã Vĩnh Hải).
Nông dân thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) trồng ớt đạt năng suất cao. Ảnh: V.Miên
Nhìn chung phát triển kinh tế tập thể đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện. Thông qua các THT, kinh tế hộ, kinh tế cá thể tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường. Mô hình HTX kiểu mới bước đầu phát huy hiệu quả trên lĩnh vực nông nghiệp, một số HTX đã giải quyết cơ bản các khâu dịch vụ đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất cho các thành viên. Trong liên kết, liên doanh, các HTX và THT đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Điều này có thể thấy rõ ở xã Xuân Hải, Công ty CP Đường Biên Hòa - Phan Rang bước đầu ký kết hợp đồng với nông dân trồng thí điểm và bao tiêu 4,6 ha mía tại khu vực hồ Thành Sơn; THT măng tây Bà Láp, HTX kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Xuân liên kết với Công ty TNHH sản xuất-thương mại Mộc Thành Quả bao tiêu 10 ha măng tây cho nông dân địa phương. Xã Nhơn Hải có Công ty TNHH Trí Nông cung ứng giống, vật tư phân bón và cam kết thu mua 20 ha ớt của nông dân.
Măng tây xanh trồng ở xã Xuân Hải (Ninh Hải) được Tổ hợp tác măng tây Bà Láp và Hợp tác xã
Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp An Xuân bao tiêu sản phẩm.Ảnh: B.T
Theo đồng chí Phú Văn Trạng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ninh Hải, qua thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, một số chính sách hỗ trợ HTX đã được thực hiện như chính sách về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, thành lập mới HTX; hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX… góp phần giúp HTX có hướng đi khởi sắc, từng bước củng cố hoạt động sản xuất kinh doanh theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể ở Ninh Hải vẫn còn những tồn tại, hạn chế đáng quan tâm. Trước hết là hạn chế về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý HTX. Thêm nữa quy mô sản xuất của các HTX còn nhỏ, hoạt động của các HTX còn thiếu gắn bó; nguồn vốn hỗ trợ cho việc thành lập và hoạt động của HTX còn thấp. Nguyên nhân của những yếu kém trên được cho là do các HTX hoạt động từ mô hình kiểu cũ chuyển sang nên còn lúng túng trong việc xác định phương án sản xuất kinh doanh và các giải pháp tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Một số HTX còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn vốn góp ít và khả năng huy động vốn các thành viên rất hạn chế không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các HTX.
Trước tác động tích cực của kinh tế tập thể đối với nông nghiệp, nông thôn, trong giai đoạn tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Hải đề ra mục tiêu củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, HTX nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên HTX, gắn với xây dựng NTM và tái cơ cấu nông nghiệp. Mục tiêu cụ thể tới năm 2025 và 2030 là tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ để thành lập mới khoảng 5-10 THT, 4 HTX; phấn đấu có 2 HTX ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp và có khoảng 15-20% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.
Để thực hiện mục tiêu trên, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, Huyện ủy Ninh Hải xác định các giải pháp chủ yếu. Theo đó tiếp tục quán triệt các quan điểm về định hướng phát triển kinh tế tập thể theo Nghị quyết số 13/NQ-TW và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, HTX, có kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, tạo điều kiện thu hút những người có năng lực, trình độ vào làm việc tại các HTX. Đặc biệt là đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của THT, HTX; hỗ trợ, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, HTX kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Bạch Thương